Theo kênh truyền hình RT, các nhà thám hiểm NASA đã sử dụng tàu vũ trụ Dawn để chụp những bức ảnh độ phân giải cao trên bề mặt hành tinh lùn Ceres. (xem video dưới - nguồn: NASA):
Mọi sự chú ý của các chuyên gia đổ dồn về miệng hố Occator 20 triệu năm tuổi xuất hiện trên Ceres.
Các nhà khoa học nhận định đây là một “bể lớn” chứa nước mặn chảy bên trong hành tinh lùn. Với sự trợ giúp của công nghệ chụp hình hồng ngoại, các nhà khoa học xác nhận có sự hiện diện của hydrohalite – một khoáng chất rất phổ biến tại khu vực có biển đóng băng nhưng chưa bao giờ quan sát thấy ở bên ngoài Trái Đất trước đây.
Dựa trên dữ liệu do tàu vũ trụ Dawn thu thập, lượng nước mặn này xuất phát từ một bể chứa nằm sâu dưới lòng hành tinh lùn. Nghiên cứu lực hút của Ceres, các nhà khoa học có thể xác định bể chứa này sâu 40km và rộng hàng trăm km.
Họ cho rằng đây là tín hiệu lạc quan cho thấy tiểu hành tinh từng có nước biển. “Chúng ta có thể nói Ceres là một thế giới đại dương”, bà Maria Cristina De Sanctis – nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia ở Italy trả lời hãng tin AFP.
Theo bà De Sanctis, lượng nước mặn có thể đang tiếp tục nhiều lên từ bên trong hành tinh. “Khoáng chất tìm thấy trên Ceres cực kỳ quan trọng về mặt sinh học thiên văn. Chúng ta đều biết những khoáng chất này đều cần thiết cho sự xuất hiện của sự sống”, chuyên gia bà De Sanctis kết luận.