Theo số liệu từ công ty công nghệ chất lượng không khí quốc tế IQAir của Thụy Sĩ, chỉ số bụi mịn PM 2.5 độc hại trong không khí tại New Delhi đã tăng lên mức 350, cao gấp 3 lần so với một ngày trước đó.
Chỉ số này thậm chí cao hơn 23 lần so với ngưỡng khuyến cáo an toàn tối đa hằng ngày do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Đến giữa buổi sáng cùng ngày, chỉ số bụi mịn PM 2.5 đã giảm xuống còn 145, nhưng vẫn cao hơn gần 10 lần so với ngưỡng giới hạn của WHO. Bụi mịn PM 2.5 có thể thâm nhập vào phổi và máu, gây các bệnh về phổi, mạch máu và tim.
Mặc dù vậy, theo kênh truyền hình NDTV, mức độ ô nhiễm không khí tại New Delhi sau lễ hội ánh sáng Diwali hôm 24/10 vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây do thời tiết dịp lễ năm nay được đánh giá ôn hòa hơn.
Theo một báo cáo của IQAir vào năm 2020, trong danh sách 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới có tới 22 thành phố của Ấn Độ. Thủ đô New Delhi đã áp đặt một lệnh cấm bán và sử dụng pháo nổ vào tháng 9 vừa qua nhằm hạn chế ô nhiễm, đồng thời tuyên bố những người vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt tù lên tới 6 tháng.
Tuy nhiên, lễ hội Diwali diễn ra trùng với thời điểm nông dân tại các bang lân cận đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch. Vào mùa Đông, khói pháo kết hợp với khói bốc lên từ việc đốt rơm rạ, khí thải công nghiệp và khí thải từ các phương tiện giao thông đã tạo thành một "hỗn hợp" độc hại được cho là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều người.
Một báo cáo của tạp chí Lancet (Anh) năm 2020 cho biết gần 17.500 người tại New Delhi đã tử vong trong năm 2019 do ô nhiễm không khí. Theo nghiên cứu của Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago, được công bố hồi tháng 6 vừa qua, tại Nam Á, một người bình thường có thể sống thêm 5 năm nếu nồng độ bụi mịn trong không khí giảm xuống bằng mức tiêu chuẩn của WHO.