Công nghệ 5G đang được các công ty viễn thông và chính phủ các nước trên khắp thế giới coi như điều kiện tiên quyết phải tiến hành nếu muốn tăng tốc trong lĩnh vực công nghệ không dây. Hiện nay, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng từ chính sách đến việc đầu tư, phát triển công nghệ để trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển mạng thông tin di động 5G.
Tạo ra cuộc cách mạng về kết nối
Tại hội nghị ASEAN về phát triển mạng 5G vừa qua, nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của 5G, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Công nghệ 2G là công nghệ điện thoại thuần túy. Công nghệ 3G là nửa điện thoại, nửa data. Công nghệ 4G là thuần túy data, nhưng là cho người với người. Công nghệ 5G là công nghệ data, nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật, với một loạt tính năng mới như độ trễ thấp, tiêu thụ nguồn nhỏ. Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Nếu 2G/3G/4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Công nghệ 5G sẽ tạo ra những thay đổi lớn như tăng dung lượng và tốc độ cho thông tin băng rộng; tạo kết nối cho vạn vật, nhất là các kết nối đòi hỏi phản ứng thời gian thực; thay đổi căn bản nhiều ngành công nghiệp, như các ngành công nghiệp sản xuất, giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh. Công nghệ 5G sẽ tạo ra một ngành công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất hàng ngàn tỷ thiết bị, cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra, khi công nghệ 5G được thương mại hóa sẽ đem lại lợi ích lớn cho mọi lĩnh vực. Công nghệ 5G sẽ thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật IoT, thực tại ảo, công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin Blockchain…); đồng thời giúp tối ưu hóa hoạt động của cơ quan Chính phủ, tăng năng suất lao động trong các ngành, giúp tương tác tốt hơn giữa Chính phủ và công dân. Đối với lĩnh vực tài chính, công nghệ 5G với ưu điểm tốc độ truyền dữ liệu cao, độ trễ thấp sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Mobile Money (thanh toán qua di động).
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương phân tích: Công nghệ 5G không chỉ đáp ứng để kết nối điện thoại thông minh smartphone, mà là kết nối vạn vật, kết nối với máy, với hàng tỷ thiết bị như các ứng dụng thực tại ảo, ứng dụng trong y tế thực hiện ca mổ trực tiếp từ xa, dùng cho xe ô tô tự lái yêu cầu độ trễ thấp... Đây sẽ là mô hình kinh doanh mới mà các nhà mạng cần hướng tới khi 5G được triển khai trên thực tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra, khi một công nghệ mới như 5G xuất hiện thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước ASEAN có cơ hội bứt phá; nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận. Khi một cái mới xuất hiện thì cách học hỏi tốt nhất là cùng nhau chia sẻ.
Các nước ASEAN có nhiều nét tương đồng, về phát triển công nghệ thông tin – viễn thông càng có nhiều nét tương đồng hơn, bởi vậy sẽ cùng phát triển hệ tri thức ICT ASEAN. Bằng cách bàn bạc và chia sẻ những vấn đề mới nhất giữa các nước ASEAN với các nước đối tác, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và doanh nghiệp, rồi thử nghiệm tại nước mình, các nước ASEAN sẽ là những nước đi đầu, bởi vì ASEAN là khu vực năng động nhất trên thế giới.
Việt Nam đã sẵn sàng làm chủ công nghệ
Đề xuất hướng tiếp cận khi triển khai công nghệ 5G, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: 5G nên được tiếp cận theo các pha. Pha đầu là sự bổ sung tăng dung lượng của 5G cho 4G tại các thành phố lớn, các trung tâm thành phố và khi đó 4G vẫn là mạng chính. Đây chính là ứng dụng nâng cao chất lượng di động băng rộng của 5G - Enhanced Mobile Broadband. Pha tiếp theo sẽ là ứng dụng internet vạn vật (IoT) diện rộng - Massive IoT và ứng dụng IoT với tính năng độ trễ thấp, độ tin cậy cao, sau đó sẽ là sự xuất hiện của 5G trong tất cả các lĩnh vực.
Đánh giá về việc phát triển 5G tại Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương cho rằng: Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên có kế hoạch triển khai 5G, Chính phủ cũng đã có những bước để chuẩn bị cấp băng tần cho 5G. Cũng giống như nhiều quốc gia khác khi triển khai công nghệ mới, Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn đó là toàn bộ hệ sinh thái di động phải phối hợp hiệu quả với nhau. Từ chính sách của Chính phủ cho tới các nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị phải làm việc hiệu quả để triển khai 5G được đồng bộ về chiến lược. Cùng với đó, các nhà mạng phải thiết kế mạng lưới 5G phù hợp với mô hình kinh doanh, các nhà sản xuất thiết bị phải cung cấp được thiết bị phù hợp cho người dùng.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Thành, Giám đốc công nghệ của Dell EMC Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam có thuận lợi với dân số hàng trăm triệu người, tỷ lệ sử dụng thiết bị thông minh kết nối internet cao so với mức trung bình của thế giới. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách sớm để thúc đẩy phát triển 5G như Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp băng tần để thử nghiệm từ năm 2019, tiến tới mục tiêu thương mại hóa vào năm 2020. Nếu thực hiện được như vậy, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thành, Việt Nam sẽ gặp thách thức là số người sử dụng thiết bị cũ 2G, 3G còn nhiều, khi triển khai 5G, người dùng phải thay đổi thiết bị. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai trong các doanh nghiệp cơ bản vẫn là công nghệ cũ, để có thể sẵn sàng cho công nghệ 5G, các doanh nghiệp phải thay đổi, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin.
Hiện nay, ba nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, VNPT và MobiFone đều khẳng định đã sẵn sàng để triển khai thử nghiệm 5G. Các nhà mạng đều đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ triển khai đại trà mạng 5G với hàng loạt ứng dụng cho đời sống như giáo dục, y tế, xe không người lái...
Viettel cho biết đang nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G và đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015. Đến nay, Viettel đã đạt được một số kết quả tích cực như: Làm chủ công nghệ lõi của phần mềm cho thiết bị 5G, làm chủ thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần, làm chủ thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G.
Tập đoàn VNPT cũng thông tin đã ký kết thỏa thuận thiết lập phòng thí nghiệm với Tập đoàn Nokia để nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và nhiều giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G; nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G; chia sẻ thông tin về các nghiên cứu mới nhất, về công nghệ, sản phẩm mới trên mạng 5G... Đặc biệt, VNPT đang chuẩn bị để có thể sản xuất các thiết bị mạng 5G, từng bước tiến tới làm chủ trong mảng này giống như đã làm được đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định.
MobiFone cũng đang làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để chuẩn bị cho việc thử nghiệm 5G. Đây là bước quan trọng để MobiFone đánh giá về công nghệ và thị trường trước khi triển khai cung cấp dịch vụ chính thức. Bên cạnh đó, MobiFone sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm, hệ sinh thái cho 5G để có thể khai thác hiệu quả các tính năng ưu việt của công nghệ này.