Đài Sputnik đưa tin trong nghiên cứu vừa được công bố, các chuyên gia tại Trung tâm Khoa học Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đã đề xuất phóng 23 tên lửa đẩy Trường Chinh 5, nặng 900 tấn mỗi chiếc, vào vũ trụ để “húc” tiểu hành tinh Bennu tránh xa Trái Đất.
"Tiểu hành tinh là một mối đe dọa lớn đối với toàn bộ sự sống trên Trái Đất. Làm chệch hướng một tiểu hành tinh trên quỹ đạo va chạm là rất quan trọng để giảm thiểu mối đe dọa này. Trong đó, tác động động học là phương án khả thi nhất", nghiên cứu viết. Trên thực tế, một thiên thạch có đường kính lớn khoảng 500 mét có thể hủy diệt hàng triệu người nếu như rơi xuống Trái Đất.
Để đánh bật một tiểu hành tinh giống Bennu khỏi hướng đi ban đầu cần đến nguồn động năng đáng kể. Các vụ nổ năng lượng hạt nhân có thể cung cấp nguồn động năng lớn song lại có nguy cơ khiến mục tiêu bị vỡ thành nhiều mảnh, sau đó va chạm với Trái Đất.
Trong đề xuất, đội chuyên gia Trung Quốc sẽ phóng loạt tên lửa cùng lúc từ các vị trí rải rác khắp quốc gia này. Các tên lửa đẩy sẽ phải di chuyển trong gần 3 năm để có thể chạm đến mục tiêu. Trên đầu mỗi tên lửa sẽ gắn một thiết bị làm lệch hướng. Thiết bị này được thiết kế để tránh làm vỡ tiểu hành tinh. Và mỗi tên lửa sẽ lần lượt “đánh” vào bề mặt tiểu hành tinh bằng một cú huých nhẹ.
Theo tính toán của họ, tác động đồng thời từ 23 tên lửa có thể đẩy Bennu chệnh 9.000km xong với quỹ đạo ban đầu. Con số gấp 1,4 lần bán kính Trái Đất trên có thể quyết định khả năng thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh từ đâm vào hành tinh của chúng ta thành bay sượt qua.
Nhà nghiên cứu Li Mingtao khẳng định kế hoạch hành động của Trung Quốc tiết kiệm chi phí hơn so với phương án phóng tàu vũ trụ tự động của Mỹ. Thời gian chuẩn bị cho kế hoạch này là 10 năm, ngắn hơn so với 25 năm theo đề xuất từ phía Mỹ.