Đây là lần đầu tiên niken được thêm vào danh sách các vật liệu có khả năng siêu dẫn ở nhiệt độ trên -233 độ C mà không cần áp suất cao.
Trước đó, chỉ có hai loại vật liệu đạt được thành tựu này là vật liệu gốc đồng oxit (cuprates) và vật liệu gốc sắt. Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học từ Đại học Khoa học và Công nghệ Miền Nam (SUSTech) ở Thâm Quyến và công bố trên tạp chí uy tín Nature vào ngày 17/2.
Phó giáo sư Trần Trác Dục, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Trước đây, hiện tượng siêu dẫn nhiệt độ cao của vật liệu gốc niken chỉ có thể đạt được dưới áp suất cực cao - lên tới hàng trăm nghìn áp suất khí quyển, tương đương với áp suất bên trong lòng Trái Đất. Giờ đây chúng tôi có thể tạo ra vật liệu siêu dẫn từ niken ở điều kiện áp suất thông thường".
Vật liệu mới được tạo thành từ niken, oxy và các kim loại đất hiếm lantan và praseodymi, được chế tạo theo phương pháp đặc biệt mà nhóm nghiên cứu phát triển trong 3 năm. Vật liệu này chuyển sang trạng thái siêu dẫn ở nhiệt độ khoảng -228 độ C.
Đặc biệt, thiết bị sử dụng trong nghiên cứu đều được sản xuất trong nước, thể hiện năng lực công nghệ độc lập của Trung Quốc. Giáo sư Tiết Kì Khôn, Chủ tịch SUSTech nhấn mạnh đây là "một đổi mới quan trọng" trong việc phát triển công nghệ thực nghiệm độc lập của nước này.
Vật liệu siêu dẫn có khả năng dẫn điện không có điện trở và đẩy từ trường ra khỏi bề mặt khi được làm lạnh đến nhiệt độ tới hạn. Loại vật liệu này có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như truyền tải điện, chế tạo nam châm cho lò phản ứng nhiệt hạch, và phát triển tàu đệm từ.
Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục khám phá các hệ vật liệu khác nhằm đạt được hiện tượng siêu dẫn ở nhiệt độ cao hơn trong điều kiện áp suất thường.