“Trợ lý ảo” VAV - ứng dụng tiện ích cho người Việt

Thay vì phải bật ứng dụng bản đồ Google, thì với VAV, người dùng chỉ cần nói “tìm đường đến ...” hoặc “đến...thì đi thế nào” để tìm đường.

Một số “trợ lý ảo” trên điện thoại thông minh như Apple Siri, Microsoft Cortana và Google Now ít được người dùng Việt Nam sử dụng do không tối ưu cho người Việt. Trước thực tế này, nhóm tác giả MDN-Team (thuộc Phòng Thí nghiệm Khoa học Dữ liệu và Công nghệ Tri thức, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phát triển một ứng dụng “trợ lý ảo” dành riêng cho người Việt, với tên gọi VAV (Virtual Assistant for Vietnamese).

Ngay khi ra mắt phiên bản đầu tiên trên chợ ứng dụng Google Play vào cuối tháng 11/2015, VAV lập tức thu hút được sự quan tâm của nhiều người dùng trong giới công nghệ Việt Nam. Ứng dụng này đã cán mốc 75.000 lượt tải về, cài đặt chỉ sau 2 tháng.

“Trợ lý ảo” cho người Việt trên nền tảng di động


Tiến sỹ Phan Xuân Hiếu – Trưởng nhóm phát triển sản phẩm chia sẻ: VAV là ứng dụng trợ lý ảo dành riêng cho người Việt để người dùng di động có thể giao tiếp với điện thoại bằng các khẩu lệnh tiện dụng nhất có thể. VAV cho phép người dùng tương tác với điện thoại thông minh (smartphone) bằng giọng nói tiếng Việt để thực hiện các thao tác cần thiết hàng ngày. Ví dụ như hẹn chuông báo thức, đặt lịch cho một cuộc họp, bật/tắt định vị, gọi điện, nhắn tin cho ai đó, gọi taxi, mở một ứng dụng trên máy, duyệt web, tìm đường trên bản đồ, tìm cây ATM, tra từ điển, tra cứu Wikipedia, mở bản nhạc yêu thích … Thay vì phải bật ứng dụng bản đồ Google, tìm chức năng tìm đường và gõ đích đến rồi nhấn nút tìm kiếm thì với VAV, người dùng chỉ cần nói “tìm đường đến ....” hoặc “đến ....thì đi thế nào”. Nếu đi công tác đến Quảng Bình, người dùng cần gọi taxi và chưa biết số điện thoại, thì chỉ cần nói với VAV: “gọi taxi Mai Linh ở Quảng Bình”, lập tức VAV sẽ gọi tới số taxi Mai Linh.

Tiến sỹ Phan Xuân Hiếu cho biết: Dưới góc độ công nghệ, VAV được thiết kế và phát triển dựa trên sự kế thừa các công nghệ và dịch vụ quan trọng sẵn có như dịch vụ nhận dạng giọng nói của Google, bản đồ số, các trang tin tức trực tuyến, thông tin tài chính, thời tiết, Wikipedia … và rất nhiều ứng dụng trực tuyến khác để mang lại cho người dùng nhiều thông tin hữu ích.

Giải pháp công nghệ nổi bật của nhóm là tìm ra các kỹ thuật về trí tuệ nhân tạo, học máy, xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên phù hợp để giúp VAV có thể phân tích và nắm bắt được ý định của người dùng dù họ diễn đạt yêu cầu theo nhiều cách khác nhau mà không cần tuân theo bất kỳ khuôn mẫu nào cho trước. Với các công nghệ này, VAV có thể phân tích câu văn nói và hiểu ý định của người dùng để thực thi một cách chính xác và nhanh chóng nhất. Với các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên, VAV cũng có thể nhận diện chính xác được các tham số trong khẩu lệnh của người dùng. Nếu nói “mở báo lao động chấm com chấm vn”, VAV sẽ hiểu là mở trang laodong.com.vn.

Bên cạnh đó, với mục tiêu phục vụ đồng thời một số lượng lớn người dùng, những tính toán, phân tích thông minh trong VAV được thực hiện ngay trên điện thoại di động. Để thực hiện điều này, nhóm phát triển đã tối ưu hóa các mô hình phân tích và cơ sở dữ liệu để có được một ứng dụng thực sự tinh gọn và có khả năng phản hồi nhanh.

Nhờ những tiện ích phù hợp với người Việt, chỉ sau 2 tháng có mặt trên chợ ứng dụng Google Play, đã có hơn 7300 lượt người dùng đánh giá VAV với mức độ hài lòng trung bình ở mức 4,74/5,0. Hơn 4200 người tham gia bình luận, phản hồi về VAV, trong đó, đa số là các phản hồi tích cực, ủng hộ nhóm tác giả tiếp tục cập nhật, mở rộng các tính năng cũng như phát triển VAV trên các hệ điều hành di động khác như iOS và Windows Phone.

Phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ

Nhóm tác giả MDN-Team của trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 2 nghiên cứu sinh, 4 học viên cao học và 10 sinh viên của trường đang học năm thứ 3 và thứ 4.

Tiễn sỹ Phan Chí Hiếu cũng cho biết: Trong thời gian đầu phát triển ứng dụng, nhóm đã gặp khá nhiều khó khăn do các thành viên vẫn là sinh viên nên không thể tập trung toàn thời gian cho ứng dụng. Bên cạnh đó, các thành viên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm để phát triển ứng dụng chuyên nghiệp nên phải vừa làm vừa học hỏi thêm. Đặc biệt, để xây dựng một “trợ lý ảo” có thể hiểu được ngôn ngữ và ý muốn của người dùng là điều không dễ dàng đối với các sinh viên khi chưa có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, các bạn sinh viên, học viên đã nỗ lực hết mình, với sự chuyên cần, chủ động, sáng tạo, nhanh nhạy của mình, các em là nhân tố chính làm nên sự thành công bước đầu của VAV.

Nhờ đó, nhóm đã tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển ứng dụng này và vừa ra mắt VAV phiên bản 2 với giao diện mới, tiện dụng hơn, với rất nhiều tính năng hữu ích. Sau khi hoàn thiện phiên bản dành cho nền tảng di động Android, nhóm dự định tiếp tục phát hành VAV trên các nền tảng di động khác.

Nhóm phát triển cũng đặc biệt chú trọng vào khả năng mở rộng miền ứng dụng của VAV để xác định được nhiều dạng câu, nhiều dạng ý định thuộc các lĩnh vực khác như hỏi đáp về luật giao thông (“lỗi vượt đèn đỏ đối với ô tô có mức phạt bao nhiêu”), tìm kiếm thông minh (“tìm xe Camry cũ màu đen số tự động đời từ 2008 trở về sau”) hay thông tin y tế (“hiện giờ có những phòng khám tai mũi họng nào gần đây đang mở không”). VAV sẽ được hoàn thiện hơn nữa để có thể tương tác bằng giọng nói hai chiều với người dùng cũng như phục vụ người dùng trong lúc họ đang lái xe hay làm bếp.

Hiện tại, ứng dụng VAV đang được một số nhà đầu tư, bao gồm cá nhân lẫn doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, nhóm vẫn đang cân nhắc tìm kiếm một hình thức hợp tác phù hợp để VAV có thể phát triển lâu dài, đi đúng định hướng và tầm nhìn ban đầu.

Mới đây, tại lễ phát động phong trào tuổi trẻ thi đua sáng tạo và trao giải cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng”, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Cần có cách làm hay để người Việt biết đến sáng tạo của người Việt và ở đâu có sáng tạo của người Việt thì người Việt phải có cách tiếp nhận hỗ trợ. Mỗi trường đại học nên là một địa chỉ để người sáng tạo có thể được hỗ trợ, mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải là một nhà tài trợ cho sáng tạo của người Việt vì đất nước mình và vì chính doanh nghiệp mình. Vì vậy, trong thế giới công nghệ ngày nay, giới trẻ Việt Nam cần thể hiện là những chủ nhân của sáng tạo mang thương hiệu Việt. Đặc biệt, trong lộ trình đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông, những ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ như của nhóm tác giả MDN-Team (Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) cần được khuyến khích và phát huy hơn nữa, nhằm tạo ra nhiều hơn những sản phẩm công nghệ “made in Việt Nam”.

Việt Hà (TTXVN)
Mua xăng bằng... ứng dụng di động
Mua xăng bằng... ứng dụng di động

Trong thời đại công nghệ, mọi hoạt động của con người đều được công nghệ hóa đến mức tối đa có thể, từ việc gọi taxi đến mua hàng trên mạng. Và giờ đây, ngay cả công việc đi đổ xăng, chuyện phải mất công di chuyển đến một cây xăng gần nhất cũng có thể trở thành… xưa như diễm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN