“Câu hỏi sẽ dẫn bạn đến đâu?” là một trong những ứng dụng được Google ra mắt trong chiến dịch về tìm kiếm của Google tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc tiếp thị thị trường Việt Nam, cho biết Google đã mất 4 năm để xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nhận diện tiếng Việt. Hiện nay, bộ nhận diện giọng nói của Google có thể hiểu được phần lớn những giọng nói ở các vùng miền khác nhau. Đồng thời, tìm kiếm bằng giọng nói của Google hiện nay đã phân biệt được tiếng ồn và giọng nói, giúp việc tìm kiếm ở các môi trường ồn ào dễ dàng hơn trước.
Để khắc họa rõ nét việc tìm kiếm Google bằng giọng nói, Google Việt Nam đã cho ra mắt một đoạn phim quảng cáo mang tên ‘The Scooterist’. Đáng chú ý, tất cả các khâu được sản xuất được thực hiện tại Việt Nam, dành riêng cho Việt Nam.
Tuy vậy, khi chuyển từ tìm kiếm bằng cách gõ từ sang tìm kiếm bằng giọng nói, thói quen người tìm kiếm sẽ thay đổi. Khi tìm kiếm bằng ký tự, người dùng sẽ gõ các cụm từ đơn giản, nhưng khi chuyển sang giọng nói, người dùng sẽ nói các câu hoàn chỉnh và có nghĩa hơn. Chẳng hạn, khi tìm kiếm bằng giọng nói, người dùng có xu hướng nói “Cách nào để đi guốc cao chuẩn hơn”, thay vì chỉ gõ “đi guốc chuẩn”. Dù vậy, bà Nguyễn Phương Anh cho rằng những thế hệ tìm kiếm ngày nay tại Việt Nam luôn mong muốn thử những điều mới, luôn hiếu kỳ, đồng thời những câu hỏi cũng mở ra cho họ một thế giới với nhiều cơ hội mới. Vì thế, Google luôn cố gắng hoàn thiện và cập nhập cơ sở dữ liệu giọng nói để giúp việc tìm kiếm được dễ dàng hơn.
Cũng theo bà Phương Anh, trong 15 năm qua, lượng người dùng internet tại Việt Nam tăng 120 lần, điểm đặc biệt là giới trẻ hiện nay đều sử dụng điện thoại thông minh. Năm vừa qua, Việt Nam có lượng truy cập qua điện thoại thông minh ở mức 36%, đến năm nay con số này đã tăng lên 55%. Điều này cho thấy, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về tìm kiếm giọng nói bằng di động. Theo thống kê từ Google, mỗi ngày có đến 15% những tìm kiếm là những nơi và mới hoàn toàn và chưa từng có ai tìm trước đó.