Nhóm trên bao gồm các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Rounds, Todd Young và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, nghị sĩ Martin Heinrich của đảng Dân chủ đã công bố mục tiêu trong lộ trình thông qua luật AI nhằm phát huy tiềm năng và giảm thiểu rủi ro liên quan công nghệ này tại Mỹ. Các thượng nghị sĩ hối thúc Quốc hội cho phép tài trợ để các cơ quan chính phủ phối hợp nghiên cứu và phát triển AI, đề ra các sáng kiến, thử nghiệm và đánh giá về hạ tầng liên quan.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nghị sĩ Chuck Schumer xác nhận các nhà lập pháp lưỡng đảng đã nhất trí về lộ trình chính sách và giao nhiệm vụ cho các ủy ban chủ chốt của Thượng viện soạn thảo các đề xuất cụ thể về quản lý AI. Ông nêu rõ thông qua thảo luận với những nhân vật ủng hộ, học giả, các nhà phát triển, các nghị sĩ đã xác định được những lĩnh vực chính sách quan trọng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Ông bày tỏ hy vọng Quốc hội sẽ thông qua một số quy định vào cuối năm nay.
Theo các nhà lập pháp, các đề xuất này sẽ giúp đưa ra các hướng dẫn nhằm hạn chế sự gia tăng của công nghệ deepfake và những mối đe dọa từ AI liên quan đến việc lan truyền thông tin sai lệch về bầu cử. Cụ thể, Ủy ban Quy tắc Thượng viện đã xem xét hai dự luật về tính minh bạch và quản lý AI trong các cuộc bầu cử. Theo lộ trình, các đề xuất này cũng sẽ bao gồm các dự luật về quốc phòng và thúc đẩy đổi mới AI.
Mặc dù là trụ sở của nhiều công ty AI lớn nhất thế giới, song Mỹ hiện đang chậm chân so với Liên minh châu Âu (EU), cũng như các khu vực khác trong việc vạch ra các quy định quản lý trong lĩnh vực này. Các nhà lập pháp Mỹ kỳ vọng khoản tài trợ trị giá 32 tỷ USD từ nay đến năm 2026 sẽ giúp thúc đẩy sự đổi mới và đảm bảo sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các hãng công nghệ lớn đang tiếp tục chạy đua cho ra mắt các sản phẩm AI mới nhất. Tuần này, OpenAI và Google đã giới thiệu các công nghệ có hiệu suất cao hơn cùng những tính năng ngày càng ấn tượng.