Mặc dù một số viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam đã tiếp cận khá sớm các vấn đề về khoa học và công nghệ (KH&CN) robot nhưng rất hiếm hoi mới thấy được hình ảnh robot “trình làng” hay đồ chơi công nghệ “made in Việt Nam” xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh sự nhiệt huyết sáng tạo của những người đam mê công nghệ, rất cần sự “vào cuộc” mạnh mẽ của các cơ quan quản lý, trong đó Bộ KH&CN là một trong những cơ quan có vai trò hết sức quan trọng.
Ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH&CN đã trao đổi với PV Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, mới đây tại Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2012 (Mỹ), sự góp mặt của robot giải trí của Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của công chúng; một số sản phẩm đồ chơi công nghệ “made in Viet Nam” cũng đã vươn ra toàn cầu. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tín hiệu vui này của thị trường KH&CN Việt Nam?
Tôi biết Tổng giám đốc của doanh nghiệp TOSY vốn xuất thân là sinh viên đam mê, nhiệt huyết nghiên cứu khoa học, tìm tòi sáng tạo và đã nhận được giải thưởng tại cuộc thi Robocon toàn quốc. Đây là một trong những nhóm nghiên cứu - doanh nghiệp mà chúng tôi đứng ở góc độ những người làm công tác quản lý của Bộ KH&CN đã quan tâm từ rất sớm. Việc doanh nghiệp này có những sản phẩm công nghệ giới thiệu ra thị truờng quốc tế là câu chuyện rất tốt. Điều này cho thấy, nếu chúng ta làm tốt công tác đầu tư, huy động sức sáng tạo và làm chủ toàn bộ quy trình thì có thể có được những sản phẩm có tiếng vang. Bên cạnh đó cũng thể hiện chất xám, trí tuệ của nguời Việt Nam trên thế giới.
Tôi hy vọng: Cùng với đà phát triển trên và sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH&CN về mặt cơ chế, chính sách thì thời gian tới sẽ có nhiều cá nhân, nhóm đam mê nghiên cứu khoa học có thể tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng tri thức cao; đồng thời có thể gắn kết được cả quá trình từ nghiên cứu sản phẩm sáng tạo đến thương mại hóa sản phẩm, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Có ý kiến băn khoăn: Tiềm năng của các nhà nghiên cứu trong nước có nhiều nhưng cái khó hiện nay là việc tiếp cận nguồn tài trợ, nhất là đối với những doanh nghiệp còn non trẻ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Liên quan đến việc tìm kiếm nguồn đầu tư vào sản phẩm KH&CN, tôi có 2 ý cần nêu: Trước hết, chúng ta phải có con người xác định đúng định hướng nghiên cứu sáng tạo để tạo nguồn hoạt động đầu tư; tiếp đến, cần có sự chủ động của các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN.
Để tiếp sức và hỗ trợ kịp thời cho những hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó bao gồm cả sự đầu tư, Bộ KH&CN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Việc triển khai hoạt động của Quỹ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội, tạo cú huých mang tính đột phá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp KH&CN, đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Bộ cũng đang hoàn thiện Đề án về thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao để trình Thủ tướng Chính phủ, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu có đặc thù rủi ro cao.
Để tạo sân chơi cho sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, nhiều viện, trường đã đầu tư không ít tiền cho các nhóm sinh viên của mình mua thiết bị để lắp ráp, chế tạo sản phẩm tham gia các cuộc thi. Liệu điều này về lâu dài có thể khiến các viện, truờng không “mặn mà” tham gia, thưa ông?
Các viện, trường chuyên về lĩnh vực này phải chủ động phát triển tiềm lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển... Đây cũng là vấn đề đã được Nhà nước - Bộ KH&CN quan tâm, thông qua nhiều chương trình KH&CN khác nhau đã và đang có những hình thức hỗ trợ nhất định. Bên cạnh đó, việc các viện, trường, các nhóm nghiên cứu khoa học chủ động tìm hiểu và thường xuyên cập nhật các chương trình hỗ trợ cũng như cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo cơ hội cho các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng để có thể đi xa hơn, đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tế cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện vấn đề này.
Đối với sản phẩm robot cũng như đồ chơi công nghệ của Việt Nam, tiềm năng cho thị trường này còn rất lớn. Vì vậy, bên cạnh sự sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các nhà khoa học cũng cần có sự quan tâm nhất định đến lĩnh vực này.
Xin cảm ơn ông!
Minh Phươngthực hiện