Tuy nhiên, dự án tiền số của Facebook nhận được nhiều ý kiến hoài nghi hơn là những sự ủng hộ.
Ngày 16/7, ông David Marcus - Giám đốc giám sát dự án tiền số Libra - đã đại diện công ty Facebook ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ về cách thức quản lý đồng Libra, cũng như những ảnh hưởng có thể xảy đến với chính sách tiền tệ toàn cầu sau khi Facebook phát hành đồng tiền này. Đây là phiên điều trần công khai đầu tiên của Thượng viện Mỹ về dự án đồng tiền điện tử này.
Tại phiên điều trần kéo dài hơn 2 giờ, ông David Marcus đã đưa ra các lập luận bảo vệ đồng Libra với cam kết tuân thủ mọi quy định để ngăn chặn các hoạt động rửa tiền và tội phạm hình sự. Theo ông Marcus, Facebook đã làm việc với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới, đồng thời khẳng định hệ thống tiền tệ Libra được công ty này phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của những người không hoạt động trong hệ thống ngân hàng truyền thống.
Mặc dù vậy, nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ vẫn cảnh báo về những rủi ro của dự án này, đồng thời đặt câu hỏi liệu Facebook có còn đáng tin cậy sau một loạt bê bối về bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Martha McSally thuộc bang Arizona tuyên bố cứng rắn: "Tôi không tin tưởng các bạn. Trong quá khứ, các bạn đã vi phạm quyền riêng tư (của người dùng)... nhưng rồi bạn lại tung ra một sản phẩm mới và tuyên bố rằng quyền riêng tư sẽ được bảo vệ. Làm thế nào để người dùng tin rằng sự riêng tư của họ sẽ không bị xâm phạm trái phép?".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy thuộc bang Louisiana lại xoay quanh việc Facebook đã không hành động mạnh mẽ để ngăn chặn việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ông nói: "Tôi rất tôn trọng Facebook nhưng Facebook hiện đang muốn kiểm soát nguồn cung tiền tệ. Hệ lụy tồi tệ nào có thể xảy đến?".
Phía đảng Dân chủ - Thượng nghị sĩ Sherrod Browncho rằng Facebook thật "ảo tưởng" khi nghĩ rằng mọi người sẽ tin tưởng, trao tiền cho mạng xã hội này. Thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ chỉ trích: "Hết bê bối này đến bê bối khác, Facebook đã cho thấy họ không xứng đáng với niềm tin của chúng ta. Thật điên rồ nếu chúng ta trao cho họ cơ hội thử nghiệm với những người có tài khoản ngân hàng".
Trong những ý kiến nhận định tích cực về đồng tiền số Libra, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Idaho - ông Mike Crapo thừa nhận: "Mặc dù vẫn còn các yếu tố không chắc chắn, nhưng những mục tiêu mà Facebook hướng tới đối với hệ thống thanh toán quốc tế là rất đáng khen ngợi. Nếu được thực hiện đúng, Libra có thể mang lại nhiều lợi ích vật chất như mở rộng khả năng truy cập hệ thống tài chính cho những người không có tài khoản ngân hàng, cung cấp phương thức thanh toán rẻ hơn và nhanh chóng hơn".
Dự kiến ra mắt vào nửa đầu năm 2020, đồng Libra được Facebook thiết kế để trở thành công cụ hỗ trợ rổ tiền tệ quốc tế, tránh sự biến động mạnh của bitcoin và đồng tiền điện tử khác. Trước đó, ngày 15/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo rằng Facebook "còn nhiều việc phải làm" trước khi có thể nhận được sự chấp thuận pháp lý cần thiết trong xử lý các giao dịch tài chính. Mặc dù hoan nghênh "những đổi mới thể hiện tinh thần trách nhiệm", song ông Mnuchin cũng khẳng định Facebook "sẽ phải đáp ứng một tiêu chuẩn rất cao trước khi có được quyền truy cập vào hệ thống tài chính thế giới.
Mục tiêu tiên quyết của chúng tôi là để duy trì tính toàn vẹn của hệ thống tài chính và bảo vệ nó khỏi bị lạm dụng bởi những kẻ rửa tiền, khủng bố và nhiều đối tượng xấu khác trong những hoạt động bất hợp pháp. Đây thực sự là vấn đề an ninh quốc gia. Tiền số cũng phải chịu sự điều chỉnh và kiểm soát giống như các ngân hàng khác của Mỹ".