Tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại Việt Nam

Gắn liền với sự phát triển của công nghệ và internet, trò chơi điện tử (Game) là mảnh đất mầu mỡ trong lĩnh vực công nghệ thông tin bởi tốc độ phát triển nhanh cùng mức doanh thu hấp dẫn. Năm 2022, thế giới có gần 3,2 tỷ người chơi game và doanh thu ước đạt 182,9 tỷ USD. Dự báo năm 2026, con số này sẽ tăng lên mốc 3,79 tỷ người chơi game chiếm hơn 47% dân số thế giới với mức doanh thu ước đạt 212,4 tỷ USD. Tại Việt Nam, game là ngành công nghiệp có tiềm năng lớn nhưng đang phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn.

Tiềm năng lớn của ngành game

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, ngành công nghiệp game là một trong 8 lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá, góp phần vào công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tại khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành game tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỷ USD năm 2023. Tại Việt Nam, 10 năm qua, ngành công nghiệp game cũng phát triển nhanh chóng. Doanh thu ngành game đã vượt 500 triệu USD đã giúp Việt Nam đứng thứ 5 tại Đông Nam Á. Hiện nay, hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game. Trên thực tế, ngành game đã giúp Việt Nam tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế cao và sức cạnh tranh toàn cầu trong mảng lập trình, thiết kế, đồ họa game. Đây cũng là ngành có cơ hội trở thành xuất khẩu, mang lại giá trị cao, nâng tầm vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đứng thứ hai về lượt tải xuống của các game với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 10%. Mức chi tiêu hàng năm của người chơi game đạt 50%. Trên phạm vi toàn cầu, thị trường game Việt Nam luôn nằm trong top 10 thứ hạng cao về lưu lượng tải về và top 30 về doanh thu. Với số liệu trên, ông Đào Việt Anh, Quản lý và Phát triển cộng đồng Startup & Developer tại Việt Nam của Microsoft đánh giá Việt Nam là cường quốc trò chơi điện tử ở Đông Nam Á.

Theo báo cáo năm 2022 của công ty phân tích và dữ liệu di động App Annie, Việt Nam xếp đầu bảng khu vực Đông Nam Á, Australia và New Zealand (ANZSEA) khi có đến 5 cái tên góp mặt trong danh sách top 10 công ty phát hành game lớn nhất khu vực (gồm Amanotes, OneSoft, GameJam, VNG và Arrasol). Hiện, Việt Nam có nhiều lập trình viên đạt trình độ làm game cung cấp lên hai kho ứng dụng (store) lớn nhất là Google và Apple. Theo thông báo của Hãng Apple có khoảng 180.000 người Việt đang làm các ứng dụng, trong đó nhân lực trong lĩnh vực game là lớn nhất.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 12/2022, có 195 doanh nghiệp được Bộ cấp Giấy phép cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng internet. G1 là game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp. Từ năm 2008 đến nay, có hơn 930 trò chơi điện tử được Bộ cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản. Việt Nam xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành game di động (mobile game) trên toàn cầu. Khoảng 50% game nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay có sự đóng góp của người Việt. Game là ngành công nghiệp không khói mà Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển, thu hút được ngoại tệ. Tại Diễn đàn Game Việt 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD.

Cần tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngành công nghiệp game là lĩnh vực được ưu tiên trong phát triển kinh tế. Sản xuất trò chơi điện tử, được định hướng là một bước đi nhằm gia tăng sức mạnh mềm của một số quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngành này vẫn đang nhiều định kiến xã hội khi được coi là trò chơi gây nghiện, tạo nhiều ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến người chơi, gây tốn kém chi phí kinh tế, thời gian và không mang lại lợi ích thiết thực.

Sau rào cản về định kiến, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngành game đang bị phân mảnh giữa sản xuất game và phát hành game làm kìm hãm sự phát triển. Nghịch lý là người Việt Nam sản xuất game cho nước ngoài chơi, nhưng người Việt lại đi mua game nước ngoài về để chơi với thống kê thực tế có tới 88% game phát hành ở Việt Nam là của nước ngoài sản xuất. Ông Lê Quang Tự Do đề cập đến sự thiếu hụt sự hỗ trợ về chính sách, thuế, tài chính để game Việt phát triển và có thể cạnh tranh được với game nước ngoài ngay trên chính sân nhà.

Hiện nước ta chưa hình thành hệ sinh thái game thực sự, các công ty trong cùng lĩnh vực chưa tận dụng lợi thế để hợp tác cùng nhau. Trên phương diện quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, các công ty phát hành chưa tìm được game Việt thực sự có chất lượng cao. Đồng thời, nhân lực ngành game còn thiếu và yếu. Việt Nam cần tới 30.000 nhân lực cho ngành game. Đây là cơ hội cho cho người lao động trẻ chọn nghề nhưng cũng là đề bài cho vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành game. Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Vũ Quốc Huy chia sẻ, để ngành game Việt thực sự trở thành ngành công nghiệp giá trị cao, có sức cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế lớn nên cần phải xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng quốc tế, hệ sinh thái đa dạng, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến VNGGames, Công ty cổ phần VNG chia sẻ quan điểm, cần sự công nhận một cách chính thức cho ngành game, coi đây là một ngành kinh tế, trụ cột quan trọng của kinh tế số là điều rất cần thiết để có chiến lược quản lý, lộ trình phát triển phù hợp. Khi game Việt nhận được sự công nhận đúng mức của xã hội, cơ quan quản lý, đồng thời có nguồn nhân lực, chuyên môn cao, tiếp cận xu hướng phát triển công nghệ chung trên thế giới..., Việt Nam sẽ có những sản phẩm chất lượng, thu hút tốt đầu tư nước ngoài và có cơ hội trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế số.

Để ngành công nghiệp game phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng lộ trình 5 năm phát triển lĩnh vực game từ năm 2022 - 2027, tập trung giải quyết các vấn đề lớn, trong đó có xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, quản lý thị trường, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành game... Cùng với việc hỗ trợ kết nối các nhà sản xuất trong nước với doanh nghiệp game nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kêu gọi quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.

Ngọc Bích (TTXVN)
Bộ Tài chính yêu cầu phải có camera giám sát điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
Bộ Tài chính yêu cầu phải có camera giám sát điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 8724/BTC-TCNH gửi 61 công ty kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN