Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), tàu vũ trụ CST-100 Starliner đã hạ cánh xuống Cảng vũ trụ White Sands, bang New Mexico, vào 18h49' (giờ địa phương, tức 5h49' theo giờ Việt Nam). Trước đó gần một tuần, con tàu này đã được phóng lên vũ trụ từ căn cứ không quân Mỹ Cape Canaveral ở Florida.
Chuyến trở về Trái Đất của tàu CST-100 Starliner kéo dài khoảng 5 giờ. Chuyến bay thử nghiệm này được coi là dấu mốc quan trọng do con tàu này liên tục gặp trở ngại trong các cuộc thử nghiệm, như trục trặc phần mềm năm 2019 ngăn cản lần lắp ghép đầu tiên với ISS hay các vấn đề về van nhiên liệu năm 2021 khiến chuyến bay bị hoãn nhiều tháng. Cuộc thử nghiệm này cũng là bước tiến lớn nhằm cung cấp cho NASA phương tiện đáng tin cậy thứ hai đưa các nhà du hành đến và rời ISS.
Trước đó, ngày 19/5, tàu CST-100 Starliner, chở hơn 200 kg hàng hóa gồm thực phẩm, quần áo cho các nhà du hành hiện nay trên ISS, đã được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Atlas V. Tàu đã hoàn thành mục tiêu chính, khi lắp ghép được với ISS, dù chậm hơn khoảng 1 giờ so với kế hoạch ban đầu do các lỗi kỹ thuật, trong đó có lỗi khiến bộ phận kiểm soát dưới mặt đất phải kiểm tra lại hệ thống ghép nối và triển khai lại. Ngoài ra, Starliner cũng gặp một số vấn đề về lực đẩy trong chặng đầu tiên của hành trình, nhưng các quan chức NASA cho biết lỗi xảy ra ở những hệ thống không quá quan trọng.
Dự kiến, trước khi chính thức được cấp phép đưa người lên vũ trụ, Boeing sẽ phải tiến hành thêm một vụ phóng thử tàu CST-100 Starliner và khi đó sẽ có một phi hành đoàn cùng lên ISS với tàu. Boeing đặt mục tiêu cho sứ mệnh này là vào cuối năm 2022.
Kể từ khi nối lại các chuyến bay đưa người lên vũ trụ từ Mỹ vào năm 2020 - tức 9 năm sau chương trình tàu con thoi kết thúc, NASA chủ yếu phải dựa vào tên lửa Falcon 9 và tàu Crew Dragon của công ty SpaceX.
Tàu vũ trụ Starliner được phát triển theo hợp đồng với NASA trị giá 4,5 tỷ USD, trong chương trình phối hợp với Boeing.