Trước đó, ngày 3/8, tàu CST-100 đã có kế hoạch bay tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ căn cứ vũ trụ ở thành phố Cape Canaveral thuộc tiểu bang Florida, Đông Nam nước Mỹ. Tuy nhiên, chuyến bay đã bị hủy bỏ vài giờ trước khi phóng vì hệ thống van đẩy có vấn đề. Boeing buộc phải tháo tàu vũ trụ ra khỏi tên lửa Atlas V do United Launch Alliance chế tạo và vận chuyển CST-100 đến nhà máy tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy để khắc phục sự cố.
Trong chuyến bay thử nghiệm không người lái đầu tiên vào tháng 12/2019, tàu Starliner cũng gặp trục trặc với bộ đẩy, và phải quay trở lại Trái Đất sớm do khôn còn đủ nhiên liệu để lên ISS.
Boeing đang tiến hành kiểm tra các van đẩy. Nhiều khả năng những van này bị kẹt vì ẩm hoặc hơi nước ngưng tụ. Kỹ sư trưởng bộ phận Không gian và Phóng của Boeing, ông Michelle Parker cho biết: “Độ ẩm môi trường bình thường có thể là nguồn gốc của độ ẩm đó trong các van".
Ông John Vollmer, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Chương trình Tổ bay thương mại của Boeing cho biết hãng hàng không vũ trụ khổng lồ này đang tìm cách thực hiện chuyến bay thử nghiệm không người lái CST-100 trong "nửa đầu năm 2022". Theo ông Vollmer, nếu chuyến bay đó thành công, "chuyến bay thử nghiệm có phi hành đoàn (CFT) có thể được xem xét vào cuối năm". Ông cho biết thêm: "Chúng tôi muốn thời gian giữa chuyến bay thử nghiệm và chuyến bay có người lái là 6 tháng".
Boeing đã chế tạo Starliner theo hợp đồng với NASA để đưa các phi hành gia lên quỹ đạo thấp của Trái đất sau khi chương trình Tàu con thoi kết thúc vào năm 2011. NASA đã ký với cả Boeing và SpaceX các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD thực hiện các chuyến bay đưa các phi hành gia của họ đến trạm vũ trụ, chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào tên lửa của Nga cho hành trình này.
Chương trình của SpaceX đã tiến nhanh hơn, với 4 nhiệm vụ bay có phi hành đoàn đã được thực hiện. Chương trình của Boeing đang bị tụt hậu và việc hủy kế hoạch ra mắt Starliner là một bước lùi đối với công ty. Boeing cần hoàn thành sứ mệnh chuyến bay không người lái thành công trước khi tàu vũ trụ này có thể chở các phi hành gia.