Nghiên cứu mới đây của một nhà khoa học Tây Ban Nha cho biết ánh sáng của các bóng đèn LED (đèn điốt phát quang), được cho là loại đèn “thân thiện với môi trường”, có thể gây tổn hại không thể phục hồi đối với các tế bào võng mạc.
Một dạng đèn LED của hãng Philips (Ảnh: Internet) |
Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu này, tiến sĩ Celia Sánchez-Ramos, giảng viên trường Đại học Complutense ở Madrid, giải thích rằng ánh sáng từ đèn LED cấu thành bởi dải quang phổ nhìn thấy được có bước sóng ngắn, màu xanh, năng lượng cao. Theo cô, mắt người được cấu tạo không phải để nhìn thẳng vào ánh sáng mà chúng quan sát mọi vật bằng ánh sáng. Vì vậy, việc tiếp xúc liên tục với ánh sáng tạo ra từ đèn LED có thể gây tổn hại cho võng mạc người qua việc phá hủy các tế bào sắc tố trong thủy tinh thể.
Qua nghiên cứu, mắt người hiện đại được sử dụng khoảng 6.000 giờ một năm và tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trong hầu hết thời gian đó.
Đây không phải là lần đầu tiên các bóng đèn tiết kiệm điện này bị chỉ trích. Trước đó, bóng đèn LED còn bị phản ánh là có chứa một lượng lớn thủy ngân đồng thời phát ra tia sáng tử ngoại rất có hại.
Ánh sáng đèn LED cũng bị cho là làm thay đổi màu sắc của các tác phẩm hội họa nổi tiếng khi một nghiên cứu do Đại học Antwerp (Bỉ) tiến hành từng phát hiện rằng loại ánh sáng này đã làm mờ sơn các tác phẩm của Van Gogh và Cézanne. Một số chuyên gia đã yêu cầu nghiên cứu bổ sung hệ thống lọc để khử ánh sáng chói xanh phát ra từ đèn LED.
So sánh điện năng tiêu thụ giữa đèn LED và một số loại đèn thông thường khác. (Ảnh: Internet) |
Bóng đèn LED được quảng cáo là một sản phẩm thay thế tối ưu cho các loại bóng đèn truyền thống vì nó giúp tiết kiệm tới 85% điện năng và có tuổi thọ kéo dài tới 10 năm. Hồi tháng 4, Philips, hãng sản xuất bóng đèn lớn nhất thế giới, công bố lượng đèn LED tiêu thụ đã tăng 38% so với năm ngoái. Chúng cũng được sử dụng rộng rãi trong điện thoại di động, màn hình máy tính và chiếu sáng gia đình.
Lê Hoàng (Theo Dailymail)