Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày nay có rất nhiều loại vật liệu ốp lát nhân tạo từ công nghệ silicat, coposite, kim loại…, nhưng đá tự nhiên vẫn là vật liệu thân thiện được yêu chuộng nhất. Trên thế giới khối lượng xuất nhập khẩu mỗi năm khoảng 20 triệu tấn với kim ngạch đạt khoảng 50 tỷ USD và cứ sau 5 năm sản lượng lại tăng lên gấp rưỡi, song Việt Nam mới chiếm một tỷ lệ khiêm tốn khoảng 0,8%. Bởi vậy, Việt Nam cần sớm thành lập hiệp hội đá xây dựng để một mặt hỗ trợ nhau trong công nghệ, thiết bị, tay nghề, mặt khác cùng nhau quảng bá thương hiệu đá Việt Nam và thống nhất trong thương mại quốc tế, tránh trường hợp tranh nhau bán rẻ để cuối cùng không giữ được chất lượng và danh tiếng của dòng sản phẩm. Đi đôi với việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với đá ốp lát tự nhiên, vì hiện nay có tới ba bộ cùng tham gia quản lý là công thương, xây dựng và tài nguyên – môi trường.
Nước ta với ¾ diện tích đất liền là đồi núi, tiềm năng khoáng sản để sản xuất đá ốp lát là tương đối lớn. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường thì hiện nay có các vùng như Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã được phát hiện 324 mỏ, trong đó đã khảo sát tìm kiếm thăm dò được 197 mỏ với trữ lượng là 37.590.233 triệu m3. Do vậy, nước ta có đủ tiềm năng khoáng sản để phát triển một ngành đá ốp lát với 2 dòng chất liệu chính là marble và garanite, cùng với đó là các sản phẩm điêu khắc, phụ gia công nghiệp, đá nhân tạo trên cốt liệu tự nhiên và vật liệu xây dựng thông thường.
Để phát triển ngành đá ốp lát, trước tiên phải thành lập một đơn vị chuyên sâu nghiên cứu về đá, trong đó có đá ốp lát. Đơn vị này kết hợp với doanh nghiệp lớn về đá để đưa ra những định hướng về khả năng khai thác, khả năng chế biến, khả năng thị trường để đưa ra những dự liệu để cùng với kết quả thăm dò xây dựng được một quy hoạch hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Sau đó phải lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực để cấp phép; hạn chế chia nhỏ mỏ, cấp giấy phép ngắn hạn dễ dẫn đến việc lãng phí tài nguyên, bán rẻ thương hiệu. Khuyến khích các công trình xây dựng trong nước sử dụng đá của Việt Nam vừa để tạo thị trường cho các doanh nghiệp, vừa thông qua các công trình để quảng bá thương phẩm.
Nhà nước cần sử dụng chính sách thuế và chính sách xuất nhập khẩu để hạn chế tối đa xuất thô và nhập khẩu đá ngoại dạng thành phẩm để kích thích công nghiệp chế biến. Ưu tiên những dự án khai thác, chế biến mà các giá trị tài nguyên được sử dụng triệt để nhất như đá ốp lát, điêu khắc, phụ gia công nghiệp, đá nhân tạo cốt liệu tự nhiên (marble, granite, thạch anh), đá xây dựng thông thường.