Công trình nghiên cứu thí nghiệm trên chuột và được công bố trên tạp chí khoa học Nature Methods số ra mới đây.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một chùm ánh sáng xanh để chiếu lên cơ thể vật thí nghiệm. Những tia sáng xanh này sẽ kích hoạt một loại protein có tác dụng ngăn chặn cơn đau có nguyên nhân từ hệ thần kinh. Loại protein được kích hoạt dưới tác dụng của ánh sáng xanh được đặt tên BLINK2. Chúng sẽ ngăn chặn hoạt động của các tế bào thần kinh.
Trước đó, năm 2015, nhóm các nhà nghiên cứu trên đã khám phá ra một loại protein khác có tên gọi BLINK11, có nguồn gốc từ virus được kết hợp với một protein thực vật. Tuy nhiên, loại protein này chỉ hoạt động trên cơ thể một số loài động vật nhất định và không có trên các loài động vật có vú.
Từ kết quả nghiên cứu BLINK11, các nhà khoa học Italy đã khám phá ra protein BLINK2. Theo Giáo sư Raffaella Tonin, Giám đốc Phòng Thí nghiệm về công nghệ điều biến thần kinh vỏ não và dưới vỏ não thuộc Viện IIT cho biết protein BLINK2 có khả năng ức chế hoạt động thần kinh trong não bộ của các loài động vật có vú khiến chúng mất đi cảm giác bị đau.
Theo kết quả nghiên cứu, chỉ cần chiếu chùm ánh sáng xanh lên cơ thể vật thí nghiệm trong vòng một phút sẽ có tác dụng giảm đau trong nửa giờ.
Phát hiện mới của các nhà nghiên cứu Italy có thể sẽ mở ra một phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân mắc các chứng bệnh đau thần kinh dai dẳng (đặc biệt là trong các trường hợp tế bào thần kinh phản ứng quá mức đối với các cơn đau) như các trường hợp đau mãn tính.