Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) đã xác nhận tính hiệu quả của cách thức này trong một số trường hợp.
Trụ sở Hãng sản xuất xơ hơi Renault ở gần Paris, Pháp. Hãng này cho biết cũng bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công mạng ngày 13/5. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong thông báo ngày 19/5, nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia an ninh mạng và một số "hacker quốc tế", cho biết công cụ "bẻ khóa" WannaCry được đặt tên "wannakiwi". Sau quá trình thử nghiệm nhanh, "wannakiwi" đã phát huy tác dụng, khôi phục thành công các tệp tin bị mã độc WannaCry tấn công ở các máy sử dụng hệ điều hành Windows 7 và các phiên bản cũ hơn như XP và 2003.
Mặc dù chưa kịp tiến hành thêm các thử nghiệm và thừa nhận "đây không phải là giải pháp hoàn hảo", nhóm nghiên cứu tin rằng công cụ này sẽ phát huy hiệu quả đối với hệ điều hành XP và Win7. Hiện một số ngân hàng, cơ quan năng lượng và cơ quan tình báo chính phủ một số nước đã liên hệ với nhóm nghiên cứu để tiến hành "bẻ khóa" WannaCry.
Hiện nhóm nghiên cứu đăng tải chi tiết về "wannakiwi" tại địa chỉ https://goo.gl/iIFDZs. Người dùng có thể đăng nhập và sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khẳng định, công cụ này chỉ có tác dụng với những máy tính chưa được khôi phục cài đặt gốc sau khi nhiễm mã độc WannaCry và những máy tính chưa bị đánh sập hoàn toàn như cảnh báo trước đó của nhóm tấn công mạng.
Vụ tấn công mạng toàn cầu do virus WannaCry bắt đầu xảy ra vào sáng 13/5 theo giờ Việt Nam. Đến nay, vụ tấn công đã ảnh hưởng hơn 300.000 hệ thống máy tính tại 150 quốc gia. Những "tác giả" vụ tấn công đe dọa sẽ đánh sập hoàn toàn hệ thống máy tính bị nhiễm độc trong vòng 1 tuần kể từ thời điểm máy tính bị tấn công nếu không trả khoản tiền chuộc bằng tiền điện tử Bitcoin, có giá trị từ 300-600 USD. Theo ước tính của giới chức Mỹ, số tiền mà các nạn nhân đã trả trong vụ tấn công bằng mã độc WannaCry này đã lên tới 7.000 USD.