Hình minh họa. Ảnh: Sputnik.
Quỹ Khoa học Nga chia sẻ với Sputnik rằng, phương pháp được đề xuất có tầm quan trọng lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản và giúp giải quyết vấn đề lương thực.
Các tác giả của nghiên cứu đã chứng minh rằng giáp xác Gammarus (kích thước lên đến 2cm) là loài có triển vọng trong ngành nuôi trồng thủy sản, vì loài giáp xác này có thể được nuôi hiệu quả trong các hồ siêu mặn và có thể được sử dụng làm phụ gia thức ăn cho cá và gia cầm. Dữ liệu mới xác nhận rằng, việc nuôi ghép giáp xác Gammarus và сỏ kim biển Ruppia có thể làm tăng đáng kể năng suất nuôi trồng thủy sản, điều này rất quan trọng để cung cấp thức ăn cho các trang trại nuôi cá và chăn nuôi gia cầm.
Cỏ kim biển Ruppia tạo thành những bụi rậm rạp ở độ sâu nông (chỉ khoảng 30–60 cm), đạt mức tăng trưởng tối đa vào tháng 8. Theo các nhà khoa học, giáp xác Gammarus (Gammarus aequicauda) thích sống trong các bụi rậm này, nơi số lượng của chúng cao gấp 4-10 lần so với vùng nước thoáng. Những bụi cỏ Ruppia cung cấp thức ăn và bảo vệ giáp xác Gammarus. Đồng thời, số lượng các loài giáp xác nhỏ hơn khác trong bụi rậm giảm đi vì chúng trở thành con mồi của Gammarus.
“Việc phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, đặc biệt là ở hồ nước mặn và hồ siêu mặn, là bước đi cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực cho hành tinh chúng ta. Nuôi cá và gia cầm đòi hỏi lượng thức ăn lớn, bao gồm động vật giáp xác và thực vật thủy sinh. Ngày nay, một ý tưởng đang trở nên phổ biến cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là nuôi trồng thủy sản ở hồ nước mặn và siêu mặn để không làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước uống”, chuyên gia Elena Anufrieva, người đứng đầu Phòng thí nghiệm hệ sinh thái khắc nghiệt của Viện Sinh học Biển Nam mang tên A.O. Kovalevsky thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết.
Theo bà, giải pháp hiệu quả nhất là nuôi ghép, tức là nuôi kết hợp nhiều loài khác nhau để chúng giúp nhau tăng trưởng nhanh hơn. Cả Ruppia và Gammarus đều là những loài có giá trị để nuôi trồng thủy sản.
Các tác giả của nghiên cứu cho rằng, những kết quả thu được rất quan trọng đối với việc quản lý hợp lý các hồ siêu mặn, để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững. Bài báo khoa học được đăng trên tạp chí Marine and Freshwater Research.
"Chúng tôi đang nghiên cứu không chỉ Gammarus và Ruppia, mà cho đến nay chỉ có các nghiên cứu cơ bản về hai loài này. Ví dụ, chúng tôi đã đánh giá năng suất rất cao của tảo lục dạng sợi Cladophora ở Vịnh Sivash. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc bổ sung sinh khối của nó vào thức ăn (1% tổng khẩu phần ăn) cải thiện đáng kể tình trạng sinh lý của thỏ và tăng cường khả năng miễn dịch của chúng", - ông Nikolay Shadrin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Phòng thí nghiệm hệ sinh thái khắc nghiệt của Viện Sinh học Biển Nam mang tên A.O. Kovalevsky thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý.