Đổi mới sáng tạo được coi là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khái niệm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo sử dụng chưa thống nhất dẫn tới chưa đồng bộ hoặc hiểu sai bản chất trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng chính sách. Việc xác định rõ loại hình tổ chức, định danh, những thuận lợi, khó khăn sẽ là cơ sở xây dựng cơ chế chính sách kịp thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Định nghĩa nào đúng?
Băn khoăn với những hệ quả của việc thiếu đồng bộ, thống nhất trong cách định nghĩa về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính hiện nay, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho rằng, hiện có trên 30 tên gọi khác nhau và được sử dụng không thống nhất khi đề cập đến các tổ chức liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính.
Mỗi tên gọi nêu trên gắn với các cơ chế, chính sách khác nhau với thẩm quyền, tiêu chí/điều kiện khác nhau. Mặt khác, nhiều “thuật ngữ” được sử dụng, đề cập rộng rãi nhưng chưa có định nghĩa thống nhất. Sự không thống nhất này dẫn tới hệ quả là nhiều tổ chức có chức năng, nhiệm vụ không tương đồng với lĩnh vực hoạt động, không tương đồng với tên gọi dẫn đến gây nhầm lẫn, khó khăn trong quản lý và trong thực thi các cơ chế, chính sách.
Ông Nguyễn Đức Hoàng nêu cụ thể một số tên gọi khác nhau đang được sử dụng trong các luật, nghị định, thông tư, nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Dự án đổi mới sáng tạo; Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Tổ chức thúc đẩy kinh doanh, Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo,…
Việc văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính hiện nay đang sử dụng các thuật ngữ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo theo các cách hiểu khác nhau dẫn đến sự không chuẩn xác, lúng túng, không thống nhất, chồng chéo… trong thực thi các hoạt động chuyên môn cũng như trong công tác quản lý nhà nước với các ứng xử chưa phù hợp cho các đối tượng của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
“Mặc dù có sự giao thoa, nhưng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo là khác nhau, khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) là khác nhau và cần phân biệt để có các ứng xử phù hợp trong quản lý nhà nước”, ông Hoàng nhận định.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, đổi mới sáng tạo được hiểu là quá trình chuyển đổi từ tri thức, công nghệ thành sản phẩm cụ thể. Đổi mới sáng tạo không nhất thiết phải từ hoạt động nghiên cứu và phát triển mà còn từ phổ biến kinh nghiệm, kiến thức của người dân nhưng không thể tách rời khoa học và công nghệ, là sự nối dài, là bước tiếp của hoạt động khoa học và công nghệ để đi vào thị trường. Đối tượng chính để thực hiện đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên để thực hiện đổi mới sáng tạo hiệu quả và có tác động lan tỏa, doanh nghiệp cần được kết nối với các tác nhân khác của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Trong khi đó, khởi nghiệp sáng tạo tập trung vào tinh thần kinh thương với hoạt động chính là gọi vốn hoặc IPO để đầu tư, tạo ra mô hình, sản phẩm mới, doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường được thành lập với mục đích đột phá các thị trường hiện có hoặc tạo ra những thị trường hoàn toàn mới với những ưu tiên dựa trên công nghệ, mô hình kinh doanh mới và tìm kiếm những giải pháp có thể mở rộng, tăng tốc.
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể có một tầm nhìn về sự phát triển và mở rộng nhanh chóng, được đặc trưng bởi sự chấp nhận rủi ro cao để đổi lại là cơ hội tăng trưởng nhanh chóng, do đó doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường phụ thuộc vào các nguồn vốn bên ngoài như vốn đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần hoặc quỹ đầu tư để tài trợ cho việc phát triển sản phẩm, tiếp thị và mở rộng kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là những doanh nghiệp đã vượt qua mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và trở nên ổn định hơn với mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng, sản phẩm hoặc dịch vụ được phát triển, và một cơ sở khách hàng nhất định.
Như vậy, tuy có phần giao thoa nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là 2 nhóm đối tượng và 2 hoạt động hoàn toàn khác nhau về giai đoạn phát triển, mục đích, khả năng chịu rủi ro, nguồn vốn, chiến lược phát triển và cách tiếp cận hoạt động kinh doanh, hướng đến những mục tiêu khác nhau, do đó đòi hỏi khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ rất khác nhau. Việc “gửi gắm” doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay dẫn đến “hiểu nhầm” doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa với các ứng xử chưa phù hợp. Vì vậy, cần thiết phải có khung khổ pháp lý riêng cho khởi nghiệp sáng tạo.
Nguồn lực từ chính sách pháp luật
Trăn trở với những bất cập về việc chưa có hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh khẳng định, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho các tổ chức đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi, nguồn tài chính phù hợp… Chưa có hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo dẫn đến việc hiểu chưa đúng về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đây cũng chính là lý do dẫn tới nhầm lẫn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, việc xây dựng hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo là vô cùng cần thiết và quan trọng; trong đó, cần làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, ban hành các quy định về loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như hoạt động liên quan là ưu tiên xây dựng chính sách.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Tính đến tháng 3/2023, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm tại các khu vực trong cả nước đạt 427 triệu USD. Các địa phương ngày càng tham gia sâu vào quá trình đổi mới sáng tạo.
Hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng lọt vào top 200 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Một thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp; trong đó có 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 79 cơ sở ươm tạo, trong đó, 72% trong số này tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai thành phố có mật độ tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục đại học và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ.
Quá trình khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam đã xuất hiện 4 kỳ lân công nghệ (VNG, VNLIFE, MOMO, SKY MAVIS). Để tạo “bệ phóng” cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, vươn xa, rất cần có chính sách cụ thể đối với lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; có như vậy mới tạo được cơ hội cho doanh nghiệp Việt bứt phá, vươn tới mục tiêu trở thành những “kỳ lân công nghệ” trong tương lai.
Bài cuối: Khơi nguồn bằng chính sách