Thông qua chuỗi hoạt động bao gồm hội thảo VMCC Marcom Talk #8: Character Licensing & Character Marketing và chương trình truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, sự kiện “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” tại Việt Nam năm 2024 sẽ góp phần đại chúng hoá, trực quan sinh động hoá, kinh tế hoá các kiến thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) và sáng tạo để nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục cũng như đưa SHTT đi vào cuộc sống một cách thiết thực hơn.
Nhiều thách thức trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả
Tại hội thảo VMCC Marcom Talk #8 với chủ đề "Character Licensing & Character Marketing - Gia tăng kết nối, mở lối doanh thu", ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã nhận định: "Kỷ nguyên số mang đến nhiều lợi ích to lớn, nhưng cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ quyền SHTT và quyền tác giả". Cũng theo ông Trần Xuân Bách, nền tảng Internet và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tạo điều kiện cho việc sao chép và phân phối trái phép các tác phẩm một cách dễ dàng, khiến cho việc thực thi các quy định bảo vệ SHTT trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Việc giám sát và xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường Internet thực sự là một bài toán nan giải. Hành vi sao chép, sử dụng trái phép các tác phẩm không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính cho các nhà sáng tạo, tác giả mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền văn hóa, KH&CN. Việc thiếu tôn trọng thành quả lao động trí tuệ sẽ kìm hãm sự sáng tạo, đổi mới, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia.”
“Nền kinh tế số đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của những ý tưởng sáng tạo nội dung và các sản phẩm độc đáo. Tuy nhiên, sự sáng tạo chỉ có thể bền vững khi quyền SHTT đối với sản phẩm sáng tạo được bảo vệ và tôn trọng. Đặc biệt, bản quyền và quyền tác giả đóng vai trò quan trọng khuyến khích sự sáng tạo. Quyền SHTT là công cụ để đảm bảo rằng người sáng tạo ra ý tưởng mới và sản phẩm độc đáo được bảo vệ, hưởng lợi từ công việc của mình một cách công bằng”, ông Trần Xuân Bách nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của SHTT và bản quyền tác giả trong môi trường số, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam), khẳng định Trung tâm đã và đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp công nghệ hiệu quả để bảo vệ các giá trị sáng tạo. Theo ông Chung, do tính chất đa dạng của các loại hình nội dung và SHTT, việc áp dụng một giải pháp công nghệ chung cho tất cả các trường hợp là không khả thi. Thay vào đó, Trung tâm sẽ triển khai các giải pháp phù hợp cho từng loại hình cụ thể.
Ông Hoàng Đình Chung chỉ ra tầm quan trọng của việc cần thiết thiết lập cơ chế bảo vệ chủ động trong môi trường số phi biên giới. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng các biện pháp bảo vệ hiện tại đôi khi chưa đạt hiệu quả, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các giải pháp công nghệ, pháp lý và hỗ trợ từ các chuyên gia.
Tiềm năng của lĩnh vực sáng tạo nội dung và cơ hội khẳng định vị thế
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là sự kiện do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) khởi xướng từ năm 2000 nhằm nâng cao nhận thức về tác động của các bằng sáng chế, bản quyền nhãn hiệu và thiết kế đến cuộc sống, đồng thời tôn vinh đóng góp của những nhà sáng tạo vào sự phát triển của nền kinh tế, xã hội. “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo” được WIPO lựa chọn là chủ đề của IP Day 2024.
Là một trong lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sở hữu trí tuệ (SHTT), ngành Công nghiệp sáng tạo (CNST), Công nghiệp Văn hóa (CNVH) đã và đang tạo ra những giá trị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề về kinh tế, con người, môi trường.
Doanh thu ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, thu hút lực lượng lao động nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại. Những con số cho thấy đây là con gà đẻ trứng vàng của các nước xuất khẩu văn hóa, sáng tạo toàn cầu như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Singapore, Thái Lan…
Tại các quốc gia nêu trên, CNST chiếm từ 5 tới 8% GDP. Còn tại Việt Nam, ước tính CNST, CNVH đang chiếm khoảng 3% GDP.
Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam), CEO Sconnect, sức sáng tạo của người Việt Nam rất dồi dào, hoàn toàn có thể tự sáng tạo các bộ nhân vật hoạt hình độc đáo và thương mại hóa chúng thành công thông qua nhiều hình thức như ứng dụng giáo dục, game, phim ảnh và đưa vào các hàng hoá tiêu dùng.
“Việt Nam có hơn 2.000 làng nghề, trong đó hơn 150 làng đã được UNESCO công nhận có giá trị nghệ thuật cao”, ông Hoàng nói. “Điều này thể hiện khả năng sáng tạo và kỹ năng thủ công tinh xảo của chúng ta, điều mà không phải quốc gia nào cũng sở hữu”.
Theo ông Hoàng, đây là một cơ hội lớn cho các DN Việt Nam để phát triển và kinh doanh các sản phẩm sáng tạo, không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra toàn cầu, đặc biệt với sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử và các kênh phân phối nội dung online.
Với những lợi thế sẵn có cùng niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cộng đồng sáng tạo nội dung Việt Nam hoàn toàn có thể biến những tiềm năng thành hiện thực, đưa ngành sáng tạo nội dung Việt Nam vươn tầm quốc tế và góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.
“Chúng ta có thể sáng tạo ra các bộ nhân vật hoạt hình, thương mại hóa theo con đường riêng, bằng các ứng dụng giáo dục, game, phim và hoàn toàn có thể thành công. Hoạt động sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo nội dung sẽ tiếp tục có sức nóng tiềm năng rất lớn trong giai đoạn tới. Lĩnh vực sáng tạo nội dung của Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ. Sáng tạo của Việt Nam hoàn toàn đủ sức khẳng định vai trò, giá trị trên thị trường quốc tế. Những nỗ lực của chúng ta sẽ tạo nên các thành tựu mới trong giai đoạn sắp tới”, ông Tạ Mạnh Hoàng nói.
Là một sự kiện hưởng ứng chuỗi hoạt động truyền thông nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, Hội thảo “VMCC Marcom Talk 08: Character Licensing & Character Marketing” do Câu lạc bộ Truyền thông và Tiếp thị Việt Nam (VMCC) tổ chức đã nhận được sự tham gia chia sẻ, thảo luận của các chuyên gia trong lĩnh vực CNST, công nghiệp nội dung số, SHTT. Chương trình cũng thu hút sự tham gia của gần 200 lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, quản lý marketing, truyền thông, quản lý nghiên cứu và phát triển sản phẩm, các nhà sáng tạo, nhà thiết kế, các nhà tư vấn, quản lý, thương mại IP, các nhà quản lý, xúc tiến cho CNVH, CNST; các giảng viên, luật sư, nhà nghiên cứu về marcom, CNVH, CNST, SHTT…
VMCC MarCom Talk #08 đã mang đến cho người tham dự những thông tin, kiến thức giá trị, giúp người tham dự hiểu đúng và bài bản về việc tạo lập và khai thác bản quyền hình ảnh nhân vật phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Vũ Trung Hiệp - Phó Chủ tịch điều hành CLB VMCC, CEO LinkStar Event & Communication, Trưởng ban tổ chức VMCC Marcom Talk 08, chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa marketing, thương hiệu (những ngành thuộc CNST) và sở hữu trí tuệ chính là giá trị. Mọi hoạt động của marketing nói chung hay character marketing nói riêng, đều là nhằm khám phá, thấu hiểu, kiến tạo và thoả mãn nhu cầu, thị hiếu của người dùng.
Mọi sáng tạo đều là để tạo ra lợi ích và giá trị nào đó (lý tính hoặc cảm xúc, hoặc cả hai) đáp ứng đúng mong muốn của khách hàng. Còn công việc của các nhà sáng tạo cũng là tạo ra giá trị thông qua các sáng kiến, phát minh, tác phẩm của mình. Và cả nhà kinh doanh, nhà tiếp thị và nhà sáng tạo đều cần đến một công cụ để bảo vệ cũng như tối ưu giá trị sáng tạo của mình, đó là Sở hữu trí tuệ.
Bà Lại Thị Mai - Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành WOA UNI - Công ty thành viên chuyên về mảng cấp quyền thương mại nhân vật của Sconnect đã cung cấp cho người tham dự những kiến thức về mô hình tạo giá trị, mô hình phát triển của một nhân vật (Character - IP), các tiêu chí, tiêu chuẩn IP cho ngành character licensing trên thế giới và cách ứng dụng tại Việt Nam. Một bức tranh về ngành này được bà Mai khái quát trên cả bình diện quốc tế và Việt Nam cũng như đưa ra những nhận định về xu thế phát triển của nó.
Bà Mai cũng nêu ra một số vấn đề thị trường đang phải đối mặt như các thương hiệu Việt mua quyền khai thác nhân vật của các đơn vị sở hữu quốc tế thông qua các đại lý (licensing agency) cấp khu vực thì họ chưa có các dịch vụ marketing tích hợp bản quyền để tối ưu hiệu quả cho thương hiệu. Bên cạnh đó nhận thức của thị trường về lĩnh vực cấp quyền khai thác hình ảnh nhân vật còn nhiều hạn chế. Không những thế tình trạng hàng nhái, sao chép hình ảnh nhân vật nổi tiếng còn nhiều… Tuy nhiên, đây cũng lại là là cơ hội để lan tỏa cách hiểu đúng, phát triển năng lực sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế.
Là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong sử dụng Character Marketing, bà Đoàn Thị Bích Ngọc - CEO Canifa mang đến hội thảo những bài học quý giá về chiến lược mua bản quyền hình ảnh, phạm vi ứng dụng và quy trình triển khai, đánh giá, đo lường đầy thực tế. Qua câu chuyện của mình, bà Ngọc đã phân tích và lý giải vì sao doanh nghiệp cần phải mua bản quyền cũng như những giá trị của phương thức marketing này mang lại cho doanh nghiệp. Theo bà Ngọc, cốt lõi nhất của Character Marketing vẫn là doanh nghiệp phải có được chiến lược kinh doanh cụ thể và định vị thương hiệu rõ ràng, sắc nét để làm căn cứ lựa chọn có làm Character Marketing hay không, và nếu làm thì cần lựa chọn nhân vật nào phù hợp nhất với chiến lược sản phẩm và chiến lược thương hiệu của mình.