Vụ kiện bắt đầu từ năm 2020 khi EC bắt đầu kiểm tra nền tảng bán hàng của Meta và cách nền tảng này sử dụng dữ liệu từ các ứng dụng. Công ty Meta tuyên bố đã hợp tác và bàn giao hơn 1 triệu tài liệu, nhưng công ty đã kiện EC vào năm 2020 với lý do các yêu cầu dữ liệu có phạm vi rất rộng. Các cơ quan quản lý có thể yêu cầu các công ty cung cấp tài liệu đề cập đến một số từ khóa nhất định có nguy cơ bị phạt. Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm châu Âu cho rằng nhà chức trách không thể buộc Meta giao nộp các hồ sơ có khả năng nhạy cảm mà không xem xét chi tiết. Theo đó, tòa ra phán quyết EU nên làm việc với Meta và lưu trữ thông tin trong một phòng dữ liệu ảo.
Trong phán quyết mới nhất, tòa án có trụ sở tại Luxembourg khẳng định công ty Meta Platforms Ireland chưa chứng tỏ được rằng yêu cầu cung cấp các tài liệu được xác định theo từ khóa tìm kiếm là vượt quá mức cần thiết. Tòa cũng tuyên bố Meta chưa chứng minh được rằng việc lập phòng dữ liệu ảo không đảm bảo được dữ liệu cá nhân nhạy cảm được bảo mật chặt chẽ.
Về phần mình, một người phát ngôn của “đại gia” công nghệ Mỹ này tuyên bố đang cân nhắc các phương án của công ty sau phán quyết trên. Meta cũng bày tỏ hoan nghênh phòng dữ liệu ảo được tòa lập ra không liên quan đến bất kỳ cuộc điều tra cạnh tranh nào.