Samsung và LG kết thúc cuộc chiến pháp lý 10 năm

Tranh chấp kéo dài cả thập kỷ giữa Samsung Electronics và LG đều của Hàn Quốc về công nghệ OLED cuối cùng đã kết thúc, nhưng người chiến thắng lại là một đối thủ đến từ Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Trong lúc Samsung và LG mất thời gian và nguồn lực cho cuộc chiến pháp lý, đối thủ của họ là BOE, Trung Quốc đã tranh thủ tiến bước. Ảnh: Getty Images

Các tấm nền OLED, tạo hình ảnh bằng cách sử dụng một lớp mỏng đi-ốt hữu cơ phát quang, có thể uốn cong, là công nghệ tiên tiến vào năm 2012. Nhưng thị trường đã thay đổi đáng kể từ thời điểm đó, và những người trong ngành công nghiệp lo ngại rằng Samsung và LG đã lãng phí thời gian và nguồn lực quý báu, qua đó giúp các công ty công nghệ Trung Quốc có thể thống trị thị trường màn hình OLED như họ đã từng làm với màn hình LCD.

Tuần trước, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã giữ nguyên phán quyết tha bổng cho 4 nhân viên của Samsung Display và Tổng giám đốc một nhà cung cấp của LG Display bị cáo buộc trộm cắp bí mật thương mại, chấm dứt cuộc chiến pháp lý dai dẳng từ năm 2012 giữa hai công ty.

Các công tố viên cáo buộc rằng 5 người nói trên đã sử dụng trái phép công nghệ vi bao của LG để niêm phong màn hình OLED. 5 bị cáo ban đầu nhận án treo, nhưng được xóa án sau khi kháng cáo. Lý do là thông tin về công nghệ này cũng có sẵn trong các tài liệu học thuật và tham khảo cho các nhà cung cấp Nhật Bản, và do đó không cấu thành bí mật thương mại.

Đây chỉ là một trong nhiều cuộc chiến pháp lý giữa Samsung và LG về tấm nền OLED. Ba năm trước, tòa án cấp cao nhất của Hàn Quốc đã tán thành phán quyết LG Display làm rò rỉ công nghệ của Samsung Display. Hai bên cũng kiện nhau ra tòa ít nhất 4 vụ về bằng sáng chế.

Cuộc chiến pháp lý giữa hai “người khổng lồ” Hàn Quốc bắt đầu vào năm 2012, khi các giám đốc điều hành của LG Display bị buộc tội đánh cắp công nghệ từ Samsung Display. Hai công ty tiếp tục gây căng thẳng với các cuộc họp báo sau đó, liên tiếp đưa ra những cáo buộc đánh cắp công nghệ nhằm vào đối thủ.

Cả Samsung và LG đều cho rằng họ có công nghệ vượt trội trong thị trường màn hình OLED đình đám khi đó. Tuy nhiên, cả hai đã phải trả một cái giá chung là để các đối thủ Trung Quốc tranh thủ vươn lên.

Chú thích ảnh
BOE cũng đã chú trọng sản xuất tấm nền OLED có thể uốn cong. 

Hơn 100 kỹ sư màn hình Hàn Quốc đã chuyển tới Trung Quốc trong nỗ lực tìm kiếm những vị trí được trả lương cao hơn. Một nguồn tin am hiểu về vấn đề này cho biết, hàng chục người đang thiết lập một dây chuyền sản xuất hàng loạt tại nhà máy OLED của tập đoàn công nghệ BOE tại Trung Quốc.

Khoảng cách về công nghệ giữa các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp. BOE đã bắt đầu xuất xưởng tấm nền quy mô lớn cho Apple vào năm 2021. Họ đặt mục tiêu tăng 70% lô hàng tấm nền điện thoại thông minh trong năm nay lên 100 triệu chiếc và có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Thành Đô.

Một đối thủ Trung Quốc khác là TCL China Star Optoelectronics Technology (CSOT), cũng đã quyết định tăng công suất tại nhà máy màn hình OLED ở Vũ Hán.

Tấm nền OLED được Pioneer tung ra lần đầu tiên vào năm 1997 và Sony ra mắt tivi OLED đầu tiên vào năm 2007. Nhưng sau đó các tập đoàn điện tử lớn của Nhật Bản đã để cho các công ty Hàn Quốc thống trị mảng sản xuất này.

Năm 2021, Samsung kiểm soát 59,3% thị trường OLED toàn cầu, theo Công ty Tư vấn Chuỗi cung ứng màn hình (DSCC) có trụ sở tại Mỹ. Theo sau là LG Display với 23%, tiếp đó là BOE với 8,7%. Các công ty Trung Quốc đã tăng thị phần của họ lên 3 điểm % vào năm ngoái.

Chú thích ảnh
Samsung đang lo ngại vị trí dẫn đầu về màn hình OLED của họ sẽ bị các công ty Trung Quốc lấn át.

Được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp của chính phủ, các công ty Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát gần một nửa thị trường LCD toàn cầu trong 10 năm qua. Họ hiện bỏ rất xa các đối thủ Hàn Quốc và Đài Loan/Trung Quốc. Ngành công nghiệp màn hình Hàn Quốc đang lo ngại tình hình tương tự có thể xảy ra với tấm nền OLED.

Samsung và LG đang thiết lập các mối quan hệ đối tác mới để đáp ứng với sự cạnh tranh ngày càng tăng. Samsung Display xuất phát chậm trong việc phát triển tấm nền OLED cho tivi và đang đàm phán để cung cấp sản phẩm này cho LG Display.

Các chuyên gia tin rằng nếu Hàn Quốc để thua Trung Quốc về màn hình OLED, các thiết bị bán dẫn sẽ là lĩnh vực tiếp theo. Chip bán dẫn đã trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với cạnh tranh an ninh kinh tế.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Nikkei)
LG Việt Nam ra mắt TV LG OLED evo 2022
LG Việt Nam ra mắt TV LG OLED evo 2022

LG Việt Nam vừa ra mắt TV LG OLED evo năm 2022 với nhiều cải tiến tuyệt đỉnh, thiết kế tinh tế hơn, mỏng gọn hơn, cập nhật nhiều tính năng thông minh, đáp ứng hoàn hảo mọi nhu cầu từ xem phim, thể thao, chơi game.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN