Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Chú thích ảnh
Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo 5 cấp độ. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo đó, thông tư này quy định chi tiết, hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, bao gồm: xác định hệ thống thông tin và thuyết minh cấp độ an toàn hệ thống thông tin; yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin; chế độ báo cáo. 

Đối tượng áp dụng Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Thông tư quy định đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ quản hệ thống thông tin là một trong các trường hợp sau: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng, thiết lập, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin.

Đối với yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin thực hiện theo yêu cầu cơ bản quy định tại Thông tư này và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11930:2017 về Công nghệ thông tin - các kỹ thuật an toàn - yêu cầu cơ bản về  an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. 

Yêu cầu cơ bản đối với từng cấp độ quy định tại Thông tư này là các yêu cầu tối thiểu để bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, bao gồm yêu cầu cơ bản về quản lý, yêu cầu cơ bản về kỹ thuật và không bao gồm các yêu cầu bảo đảm an toàn vật lý. 

Việc xây dựng phương án bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu cơ bản theo từng cấp độ thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 4  Nghị định 85/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, đối với hệ thống thông tin cấp độ 1, 2, 3: Phương án bảo đảm an toàn thông tin phải xem xét khả năng dùng chung giữa các hệ thống thông tin đối với  các giải pháp bảo vệ, chia sẻ tài nguyên để tối ưu hiệu năng, tránh đầu tư thừa, trùng lặp, lãng phí.

Đối với hệ thống thông tin cấp độ 4, 5: Phương án bảo đảm an toàn thông tin cần được thiết kế bảo đảm tính sẵn sàng, phân tách và hạn chế ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống khi một thành phần trong hệ thống hoặc có liên  quan tới hệ thống bị mất an toàn thông tin.

Quy chế bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cho hệ thống phải được  xây dựng, đáp ứng các yêu cầu an toàn về quản lý theo cấp độ an toàn hệ thống  thông tin tương ứng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành trước khi Hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt. 

Đồng thời, Thông tư cũng quy định rõ về hoạt động kiểm tra, đánh giá; chế độ báo cáo đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ...

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2022, thay thế Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống  thông tin theo cấp độ. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp giải quyết.

TTXVN/Báo Tin tức
TTXVN đứng đầu về an toàn thông tin mạng và chuyển đổi số trong nhóm không có dịch vụ công
TTXVN đứng đầu về an toàn thông tin mạng và chuyển đổi số trong nhóm không có dịch vụ công

Kết quả đánh giá theo Chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 cho thấy TTXVN đứng thứ 3 trong 9 bộ, ngành không có dịch vụ công, nhưng lại có 2 chỉ số đứng đầu bảng xếp hạng về an toàn thông tin mạng và hoạt động chuyển đổi số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN