Tại Hội thảo, hơn 100 chuyên gia là các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm về AI từ các ngành (công nghiệp, nông nghiệp, y tế, ngân hàng…), các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Pháp, Ba Lan... đã đóng góp ý kiến, bàn luận, đề xuất các giải pháp trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.
Nhiều nhà khoa học đã thể hiện quan điểm Việt Nam cần xác định cụ thể định hướng mũi nhọn cho lĩnh vực này để tập trung đầu tư mới có hiệu quả.
Cụ thể theo TS. Trần Đặng Minh Trí: Trong thời đại AI, ngành y tế luôn được coi là lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng AI cao nhất. Ở Việt Nam, với số lượng bệnh nhân khổng lồ, mỗi bệnh viện tạo ra hàng ngàn điểm dữ liệu (hình ảnh chụp X-Ray MRI, CT, các xét nghiệm cận lâm sàng, thông tin bệnh lý…). Đây chính là “kho vàng”để phát triển công nghệ AI chẩn đoán bệnh cho tương lai. Muốn vậy các cơ quan, bệnh viện, công ty công nghệ, các nhà nghiên cứu AI… cần ngồi lại với nhau để khai thác “kho vàng” này đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong về AI trong những năm tới”.
Còn TS. Nguyễn Văn Như, Công ty BRICKIN’UP (Pháp) cho rằng: Đối với Việt Nam, AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thách thức lớn là chúng ta còn thiếu nhân lực cao cấp về AI cũng như sự tham gia đóng góp của các chuyên gia hàng đầu về AI người Việt trên toàn thế giới. Vì vậy, Việt Nam nên tận dụng tinh thần ham học hỏi với thế mạnh về khoa học cơ bản và sức sáng tạo trong và ngoài nước.
Sự kiện này là cơ hội kết nối, hội tụ, chia sẻ và định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về AI tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, việc tổ chức AI Việt Nam 2018 nhằm chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Đồng thời mong muốn các nhà khoa học sẽ kết nối, hội tụ, chia sẻ định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ... Đặc biệt, tạo dựng được mạng lưới kết nối các trí thức có thể tham gia góp phần xây dựng các nghiên cứu, định hướng ứng dụng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.