Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu với báo giới qua cuộc họp trực tuyến ngày 10/6, Giám đốc bộ phận Phát triển hệ thống bệ phóng của KARI, ông Jang Young-soon, cho biết tên lửa đẩy vũ trụ Nuri ba tầng tự phát triển bằng công nghệ nội địa hiện đã được lắp ráp hoàn chỉnh.
Dự kiến, vụ phóng tên lửa Nuri sẽ được thực hiện vào 16h ngày 15/6 (giờ địa phương) tại Trung tâm Vũ trụ Naro ở thị trấn Goheung, tỉnh Nam Jeolla, cách Seoul 330 km về phía Nam. Đề cập đến các yếu tố dẫn đến sự thất bại của đợt khởi chạy thử nghiệm đầu tiên vào tháng 10/2021, ông Jang Young-soon khẳng định KARI đã thực hiện các biện pháp thích hợp để “không lặp lại các vấn đề tương tự”.
Tên lửa Nuri đầu tiên của Hàn Quốc đã bay tới độ cao mục tiêu là 700 km trong lần thử đầu tiên nhưng không đưa được vệ tinh giả vào quỹ đạo do động cơ bị cháy sớm hơn 46 giây so với dự kiến. Sau cuộc điều tra kéo dài 2 tháng, KARI kết luận nguyên nhân xuất phát từ việc nới lỏng thiết bị neo bình khí heli, được lắp bên trong bình ôxy hóa ở tầng thứ ba của tên lửa này.
Ông Jang Young-soon nói thêm: “Chúng tôi đã cải tiến bể chứa heli bằng cách tăng cường neo trên giá đỡ bên dưới và gia cố độ dày của nắp đậy”. Về trình tự bay, ông Jang Young-soon cho biết chặng đầu tiên sẽ chứng kiến tên lửa Nuri tách tầng thứ nhất ở 127 giây sau khi phóng và lần tách tầng ở chặng thứ hai sẽ diễn ra sau 274 giây. Tên lửa Nuri dự kiến đạt độ cao quỹ đạo 700 km và 897 giây sau khi phóng.
Trong lần phóng thử nghiệm đầu tiên, tên lửa Nuri đã mang theo một vệ tinh giả nặng 1,5 tấn. Tại lần phóng thứ hai này, tên lửa sẽ mang theo một vệ tinh xác minh hiệu suất nặng 180 kg và 4 vệ tinh hình khối, được phát triển bởi 4 trường đại học và được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như giám sát Trái Đất và quan sát bụi mịn. Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào dự án phát triển tên lửa Nuri, cùng nhiều nhà sản xuất vật liệu, phụ tùng và thiết bị vừa và nhỏ.
Kế hoạch của Hàn Quốc trong giai đoạn đầu là tên lửa Nuri sẽ mang và đưa vệ tinh vào đúng quỹ đạo. Trong giai đoạn thứ hai, Seoul đặt mục tiêu phóng nhiều vệ tinh trên cùng một tên lửa đẩy. Giai đoạn ba liên quan đến dự án khám phá Mặt Trăng và Sao Hỏa mà Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ hiện đang tiến hành. Giai đoạn thứ tư là tàu vũ trụ có thể đưa hành khách ra ngoài không gian, xây dựng căn cứ.