Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong một tuyên bố, ông Kurt Sigl - Chủ tịch Hiệp hội BEM cho biết hiện trên cả nước Đức mới chỉ có 28.000 trạm sạc pin cho xe ô tô điện. Do đó, để có thể lắp đặt thêm 400.000 trạm sạc pin cần khoản đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, ước tính khoảng 9,3 tỉ euro (tương đương 10,6 tỉ USD).
Theo ông Kurt Sigl, đây là khoản đầu tư hiệu quả và hợp lý so với nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác. Ông Kurt Sigl cho biết Hiệp hội cũng đề xuất sự tham gia tích cực hơn của các nhà khai thác mạng được ủy quyền để tái cấp vốn các khonar chi phí cần thiết cho phần cứng, lập kế hoạch, cài đặt và kết nối mạng.
Trước đó, Chính phủ Đức đặt mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kinh CO2 vào năm 2050 ở mức từ 80 đến 95% so với mức được ghi nhận hồi năm 1990 theo quy định trong kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu mà Berlin đưa ra kể từ năm 2016. Để có thể đạt được mục tiêu này, Chính phủ Đức hy vọng vào năm 2030 sẽ có từ bảy đến mười triệu xe điện được đăng ký tại nước này.
Bên cạnh đó, trong gói kích thích kinh tế mà Chính phủ Đức đưa ra để khắc phục những hậu quả và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 cũng bao gồm phí bảo hiểm cho xe ô tô điện. Ngoài ra, phí bảo hiểm cũ cho việc quảng cáo xe điện ở Đức cũng đã được tăng hai lần so với trước đây và Chính phủ cũng hỗ trợ người dân khoản chi phí lên tới 9.000 euro để mua xe ô tô điện.