Vẫn chơi trò “trốn tìm”
Xuất phát từ trăn trở sau mỗi ngày đi chợ là làm sao để chọn được thực phẩm sạch, không có chất bảo quản, TS Đào Thị Nhung (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tìm hiểu và nghiên cứu ra chế phẩm có nguồn gốc từ chế phẩm chitosan, một hợp chất thân thiện với môi trường, được tách ra từ vỏ tôm rất an toàn để kéo dài thời gian “sống” của rau, củ quả sau thu hoạch gấp 2 - 3 lần so với không bảo quản.
Bằng kinh phí cá nhân, TS Đào Thị Nhung đã nghiên cứu ra một dây chuyền bảo quản nhỏ với khoảng 10 - 20 kg sản phẩm.
Nghiên cứu của TS Đào Thị Nhung đã đạt giải thưởng trong cuộc thi Chứng minh ý tưởng của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) năm 2017.
“Sau khi nhận giải thưởng thì vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đoạt giải. Lo vì nhà khoa học thiếu kinh nghiệm, tài chính để mở rộng, phát triển dây chuyền sản xuất của mình”, TS Đào Thị Nhung chia sẻ.
May mắn, qua người quen, TS Đào Thị Nhung đã kết nối với Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại Phạm Gia.
Nhờ có liên kết với DN này mà dây chuyền bảo quản nông sản của TS Đào Thị Nhung đã được mở rộng lên gấp 10 lần, có thể bảo quản cho khoảng 100 - 200 kg thực phẩm. Đây là dây chuyền khép kín gồm nhiều mô đun: tiếp nhận sản phẩm, rửa, thấm khô, bọc màng sinh học, làm khô màng và đóng gói.
“Năm 2018, phiên bản đầu tiên của dây chuyền được hoàn thiện trên cơ sở phối hợp của công ty TNHH Phạm Gia và Công ty Vitech. Dây chuyền phù hợp với cơ sở sản xuất vừa và nhỏ hoặc hộ gia đình. Hiện đã có nhiều nơi sử dụng sản phẩm, sắp tới chúng tôi tiếp tục thí điểm tại HTX cam Cao Phong (Hòa Bình)”, TS Đào Thị Nhung chia sẻ.
Tuy nhiên, trong giới khoa học, câu chuyện thành công, đưa công trình nghiên cứu thành sản phẩm ra thị trường như trên hiện chưa nhiều. Trên thực tế, ở Việt Nam, việc chuyển đổi những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trở thành những sản phẩm có thể thương mại hóa còn rất gian nan.
Là một trong những nhà khoa học có rất nhiều công trình nghiên cứu thành công, TS Hà Phương Thư, Viện Hàm lâm KH&CN Việt Nam (VAST) cho biết: Có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học rất thành công, nếu được ứng dụng, sẽ rất tốt cho đời sống con người, nhưng lại không nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Nguyên nhân là bởi, vẫn thiếu “sợi dây kết nối” 5 nhà, đó là nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, nhà đầu tư và người dân. Nhiều công trình của bà Hà Phương Thư đã nghiên cứu thành công được vài năm nhưng không ai biết đến, chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì các DN, nhà đầu tư mới biết đến để đầu tư.
Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong DN thuộc dự án First-Nasati do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố năm 2018, có tới gần 85% DN tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có được các sản phẩm mới, chỉ có khoảng 14% DN đã phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm.
Hiện các DN chủ yếu đổi mới quy trình thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp hoặc chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KHCN đến DN lại rất thấp. Điều này cho thấy sự liên kết giữa DN (bên cầu trong thị trường KHCN) với các viện trường, các nhà khoa học (bên cung) còn rất hạn chế.
Nhà khoa học phải “chào hàng”
Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam là một trong những nơi đã thực hiện tốt việc chuyển giao công nghệ đến DN. TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ cho biết, trong năm 2018, có 74 công nghệ của 12 đơn vị trực thuộc của Viện đã sẵn sàng chuyển giao vào sản xuất và đời sống.
Các công nghệ này được Viện Hàn lâm xuất bản trong cuốn “Giới thiệu công nghệ 2018” và có 11 công nghệ đã chuyển giao cho DN đưa vào sản xuất kinh doanh. Viện cũng đã thực hiện nhiều chương trình kết nối giữa nhà khoa học và DN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có nhiều khó khăn. Vẫn còn một khoảng cách không nhỏ giữa nhu cầu đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh của DN với các kết quả nghiên cứu khoa học của các viện, trường.
“Nhà khoa học thường chỉ giỏi nghiên cứu, còn thiết kế sản phẩm, marketing để đưa sản phẩm ra thị trường lại không phải chuyên môn của họ. Trong khi đó, các nhà đầu tư, họ lại không am hiểu nhiều về chuyên môn khoa học, họ lại chỉ quan tâm đến khía cạnh kinh doanh.
Để đưa sản phẩm từ công trình khoa học ra thị trường, bản thân các nhà khoa học cũng phải chủ động hơn, tự “chào hàng” với những DN phù hợp với sản phẩm của mình, đồng thời phải có khả năng thuyết trình nhiều hơn về sản phẩm, để nhà đầu tư thấy được lợi ích của sản phẩm, cũng như khả năng thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường”, TS Hà Quý Quỳnh cho biết.
Doanh nghiệp là trọng tâm
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan.
Cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp, tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.
Theo TS Hà Quý Quỳnh, hiện đã có những quy định liên quan đến vấn đề này như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ... Tuy nhiên, vẫn cần có những quy định chi tiết hơn đối với từng lĩnh vực, vì hiện nay vẫn chỉ có quy định chung chung, đồng nhất nên áp dụng được cho lĩnh vực này thì lại khó ở lĩnh vực khác. Đồng thời, khi hợp tác, cần phải có chính sách rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần có hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế phù hợp để hoạt động chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn. Thực tế, có trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ của nhà khoa học nhưng chỉ một thời gian sau tiếp thu được công nghệ thì không cần đến nhà khoa học nữa. Hoặc cũng có trường hợp sau khi chuyển giao công nghệ, DN tự ý thay đổi nguyên liệu rẻ tiền, kém chất lượng trong khi nhà khoa học không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí nghiên cứu. Do đó, cần có mô hình kết hợp doanh nghiệp - nhà khoa học cho phép cơ sở nghiên cứu và nhà sáng chế cùng sở hữu sản phẩm. Ðiều đó gắn quyền lợi và trách nhiệm của các nhà khoa học, giúp việc nghiên cứu tận tâm, sát thực tế hơn.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tăng cường sự hợp tác giữa nhà khoa học và DN, cần có sự bắt tay của 3 nhà. Vai trò Nhà nước là định hướng đưa ra cơ chế, hỗ trợ DN; các nhà khoa học phải tạo ra sản phẩm tốt, giàu tính thực tiễn, mang đến sự tăng trưởng cho DN, còn DN có trách nhiệm đưa sản phẩm này vào thị trường.
“Việc đẩy mạnh phát triển DN là hướng đi quan trọng. Trong việc kết nối phát triển thị trường khoa học, DN phải đóng vai trò trung tâm. Các nhà khoa học là những đối tác và cùng doanh nghiệp cộng sinh trong chuỗi giá trị. Tinh thần doanh nghiệp và cuộc cách mạng 4.0 sẽ là hai động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong thời gian tới", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), thu nhập của doanh nghiệp KH&CN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN được miễn thuế bốn năm và giảm 50% thuế thu nhập DN phải nộp trong chín năm tiếp theo,... DN KH&CN cũng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN của DN KH&CN được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành; được Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KHCN tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn,...
Các bộ, cơ quan ngang bộ ưu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN của DN KH&CN trong trường hợp sản phẩm thuộc danh mục chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.