Gương mặt nhà khoa học hàng đầu châu Á 2019: Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp

Với mong muốn tạo ra sản phẩm phục vụ cộng đồng, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) kiên trì theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học lĩnh vực kỹ thuật y sinh, dù con đường này đã và đang còn nhiều chông gai.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (thứ 2 từ trái sang) trao đổi cùng cộng sự.

Với nhiều thành tựu khoa học nổi bật, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp là một trong hai nhà khoa học Việt Nam có tên trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019 do Tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn.

Tốt nghiệp Cử nhân Hóa học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Hiệp tiếp tục học Thạc sỹ và Tiến sỹ tại Trường Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc). Sau nhiều năm học tập ở nước ngoài, trở về nước, năm 2012, chị tham gia giảng dạy và tiếp tục nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp đến với lĩnh vực y sinh là một cơ duyên bởi được học bổng ngành Hóa ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, chị lại thấy không phù hợp với ngành nên chuyển hướng qua Kỹ thuật y sinh. Chị cho biết bắt tay vào nghiên cứu khoa học từ năm 2008. Khi chuyển từ ngành Hóa học sang Y sinh, chị đã mất nhiều thời gian mới tìm được hướng nghiên cứu phù hợp. Đến năm 2010, chị có công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên được công bố về những vật liệu hỗ trợ điều trị cho da. 

Trong hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp đã có bảng thành tích đồ sộ với 107 công trình khoa học, trong đó 2 chương sách chuyên khảo, 56 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, hơn 30 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế, 10 bài trên các tạp chí trong nước và 4 sáng chế. Các công trình của chị theo hướng nghiên cứu về vật liệu ứng dụng trong y học, đặc biệt là vật liệu trong nước với giá thành rẻ cho người dân. Trong đó, chị tập trung nghiên cứu về vật liệu điều trị cho da, vật liệu kháng khuẩn để điều trị từ xa, vừa tiện lợi, giảm đau cho bệnh nhân vừa tránh nhiễm trùng chéo khi phải đến bệnh viện điều trị.

Trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp liên tục được vinh danh tại các giải thưởng khoa học trong nước cũng như quốc tế. Năm 2016, chị giành giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học trẻ tài năng (L’Oreal National Fellowship). Năm 2017, chị nhận giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ ASEAN-US; năm 2018, nhận Giải thưởng Nhà khoa học tài năng trẻ thế giới do Quỹ L'Oréal - UNESCO trao tặng...

Mới đây nhất, tháng 6/2019, với công trình Keo thông minh trong điều trị lành thương, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp đã giành giải Nhất Giải thưởng sáng tạo TP Hồ Chí Minh năm 2019 ở lĩnh vực khoa học cơ bản. Đây là một loại keo dùng để cầm máu, diệt khuẩn và đẩy nhanh quá trình tái tạo mô, làm lành vết thương trong thời gian ngắn. Giải pháp này giúp những người dân ở xa bệnh viện có thể tự sơ cứu, điều trị vết thương nhanh chóng. Keo đã được thử nghiệm trên tế bào động vật; đánh giá có tính ứng dụng rộng rãi và thương mại hóa cao.

Không dừng lại ở đó, từ khả năng hỗ trợ lành vết thương, tái tạo tế bào tốt, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp đang tiếp tục nghiên cứu phát triển keo thông minh này theo nhiều hướng ứng dụng khác nhau để điều trị các bệnh khác.

Nói về lý do mình quyết tâm theo đuổi hướng nghiên cứu này, chị cho biết: Từ câu chuyện của bản thân lúc nhỏ, cùng với chứng kiến người bị thương mất máu nhiều mà không được cầm máu kịp thời, ảnh hưởng đến tính mạng đã thôi thúc chị làm được điều gì đó có ích cho người bệnh ở xa bệnh viện.

Nhớ lại những khó khăn trong thời gian đầu về nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ, khó khăn lớn nhất là kinh phí. Do vậy, để khắc phục khó khăn, cùng với các nguồn tài trợ kêu gọi, chị dành cả tiền lương, thù lao đăng bài báo quốc tế, tiền giải thưởng nhằm duy trì hoạt động nghiên cứu của mình và đầu tư cho nhóm nghiên cứu tại trường.

Nhắn nhủ với các bạn trẻ đang lựa chọn nghiên cứu khoa học, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp cho rằng con đường này không dễ dàng, để nghiên cứu khoa học thành công không chỉ cần có đam mê mà phải quyết tâm, luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính, giới hạn tri thức, tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp, con đường phía trước vẫn còn trở ngại trong việc đưa các sản phẩm nghiên cứu của mình ra thị trường, phục vụ cộng đồng. Thực tế, quy trình xin giấy phép lưu hành còn vướng nên đến nay, chị chưa có công trình nào được đưa ra thị trường. Vì vậy, chị mong muốn Nhà nước có cơ chế rõ ràng hơn để hỗ trợ các nhà khoa học trong việc cấp giấy tờ cho sản phẩm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về lĩnh vực y tế để đưa sản phẩm ra thị trường.

Khi về nước, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp là “sinh viên hậu Tiến sỹ” của Giáo sư Võ Văn Tới, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Trong suốt thời gian đó, chị vừa nghiên cứu, vừa làm dự án, vừa gây dựng nhóm nghiên cứu, sau đó, được nhận làm giảng viên cơ hữu của bộ môn. 

Nhận xét về học trò và cũng là đồng nghiệp của mình, Giáo sư Võ Văn Tới chia sẻ: Ngay từ đầu, tôi nhận thấy Hiệp rất tài năng và tâm huyết. Hiệp đã thể hiện bản lĩnh rất tốt và đạt được những thành công nhất định. Tôi đánh giá Hiệp rất cao. 

Giáo sư Võ Văn Tới cho biết, Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh tập trung định hướng nghiên cứu ứng dụng, tạo ra các phương pháp nghiên cứu và thiết bị chăm sóc sức khỏe người dân. Các công trình nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp cũng theo định hướng đó. Điển hình là công trình keo thông minh đã và đang được tiếp tục nghiên cứu phát triển, rất hữu ích với xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cho người dân ở xa bệnh viện. Hơn nữa, keo sử dụng chất liệu trong nước rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.

Tin, ảnh: T.Hoài (TTXVN)
Hai nhà khoa học trẻ chế tạo thành công máy tính nhỏ nhất thế giới
Hai nhà khoa học trẻ chế tạo thành công máy tính nhỏ nhất thế giới

Hai nhà khoa học trẻ Nam Phi Luyanda Vappie, tỉnh Eastern Cape và Motsholane Sebola, tỉnh Limpopo đã chế tạo thành công máy tính cá nhân (PC) nhỏ nhất trên thế giới – PC đầu tiên với thiết bị ngoại vi đầu vào, đầu ra và màn hỉnh ảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN