Đằng sau cánh cửa ấy, người ta dễ dàng nhận thấy dòng chảy cuộc sống cuồn cuộn hơi thở mới. Làn sóng công nghệ số đã và đang len lỏi mạnh mẽ vào mọi huyết mạch, làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của Singapore và xa hơn.
Nhiều cơ quan chính phủ đang đẩy mạnh số hóa các dịch vụ và quy trình. Nền tảng quản lý dữ liệu cá nhân “MyInfo” cho phép người dân đăng nhập vào hơn 400 dịch vụ trực tuyến của chính phủ và các tổ chức được ủy quyền. Chỉ vài thao tác để hoàn thiện giao dịch thanh toán điện tử và ngân hàng số, và người dân có thể thăm khám từ xa nhờ hồ sơ sức khoẻ điện tử nở rộ trong lĩnh vực y tế.
Số hóa len lỏi vào cơ sở hạ tầng giao thông, mà dễ nhận thấy hơn cả là những chiếc vé điện tử hoặc thu phí tự động điện tử để quản lý ách tắc giờ cao điểm. Công nghệ số cũng thổi luồng sinh khí mới cho các doanh nghiệp với hệ thống quản lý số hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đem lại hiệu suất tối đa.
“Ngôi nhà số” của Singapore được xây trên 4 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số, An ninh số và Xã hội số. Sáng kiến Quốc gia thông minh là sợi dây kết nối chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Dữ liệu trong báo cáo 2023 của Cơ quan Phát triển truyền thông Infocomm là minh chứng cho thấy “kỳ tích” và tương lai đầy hứa hẹn của kinh tế số Singapore khi đạt 106 tỷ dollar Singapore (hơn 81 tỷ USD) năm 2022, đóng góp hơn 17% cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức 13% của năm 2017.
Để “ngôi nhà số” trụ vững trước những biến động của đời sống quốc tế, Singapore cũng tìm kiếm chất keo gắn kết chuỗi cung ứng của mình với thế giới thông qua các thỏa thuận đối tác kinh tế số với Hàn Quốc, Chile, New Zealand và nhiều nước khác trong tương lai. Nguồn sáng mạnh mẽ từ "ngôi nhà số" của đảo quốc được biết đến là trung tâm công nghệ và cửa ngõ của Đông Nam Á đang lan tỏa và đóng vai trò chất xúc tác thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng tiếp theo cho nền kinh tế số khu vực.
Tại Indonesia, ánh sáng của tri thức và công nghệ cũng khởi nguồn sống số cho mọi lĩnh vực. Điểm nhấn trong hành trình chuyển đổi số ở đây là sự sinh sôi mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và giải pháp kỹ thuật số sáng tạo, đang từng bước đưa “xứ sở vạn đảo” trở thành một trong những cường quốc kỹ thuật số trong khu vực.
Chương trình “Makinh Indonesia 4.0” thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để tăng khả năng cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất bằng cách sử dụng robot, AI và Internet vạn vật (IoT). Còn “Startup Studio Indonesia” đóng vai trò “vườn ươm” công ty khởi nghiệp non trẻ, hướng tới sản sinh ra hệ sinh thái khởi nghiệp số bền vững, trong đó có những startup sẽ trở thành kỳ lân được định giá trên 1 tỷ USD ở châu Á.
Chính sức vươn ra biển lớn Đông Nam Á của các công ty công nghệ khởi nghiệp công nghệ sáng tạo trong lĩnh vực vận tải, thương mại điện tử, bán lẻ và công nghệ thực phẩm ở Indonesia như GoJek, Traveloka, Tokopedia, Bukalapak… đã biến nước này thành thỏi nam châm hút vốn đầu tư của những “gã khổng lồ” Google, Alibaba và Tencent, qua đó tăng tốc hơn nữa kinh tế số của Indonesia.
Hiện “xứ sở vạn đảo” có hơn 2.300 startup, gồm 9 kỳ lân và 2 siêu kỳ lân, thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực khác nhau, từ thương mại điện tử và công nghệ tài chính đến công nghệ nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Đây là một trong những nền tảng hỗ trợ Indonesia đẩy mạnh chuyển đổi số và đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế số vốn đạt 77 tỷ USD năm 2022 theo báo cáo của 3 tập đoàn toàn cầu về công nghệ, đầu tư và quản lý lần lượt là Goolge, Temasek và Bain&Campany.
Sự vượt trội về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Thái Lan được coi như “quân át chủ bài” trong chiến lược chuyển đổi số “Thailand 4.0” với mục tiêu phát triển mô hình kinh tế dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị gia tăng.
Điểm nhấn của chiến lược là thành lập Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) - khu vực đặc biệt tập trung phát triển công nghệ cao, trong đó có các dự án trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng đám mây. EEC cung cấp ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5-8 năm, thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ hoặc hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Malaysia cũng có mô hình tương tự.
Sức bật chuyển đổi số ở Philippines đến từ thanh toán và thương mại điện tử. Việc ứng dụng AI và quản lý dữ liệu hiệu quả trong các dịch vụ tài chính đã châm ngòi cho cuộc cách mạng ngành công nghệ tài chính (fintech) ở nước này.
Giai đoạn 2016 - 2021, giá trị thị trường fintech của Philippines đã tăng 224%, từ 3,4 tỷ USD lên 11 tỷ USD và có thể đạt 44 tỷ USD năm 2024. Nhìn vào dữ liệu của nền tảng cho vay trực tuyến Digido, có thể thấy số hóa đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Philippines. Việc áp dụng các dịch vụ công nghệ tài chính thông qua ứng dụng di động tại Philippines dự kiến sẽ đạt gần 80% vào cuối năm. Trong đó, thương mại điện tử ghi nhận mức tăng lớn nhất là 34%, theo sau là ví số và ngân hàng số.
Việt Nam đón đầu làn sóng này như thế nào? Tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng HSBC mới đây đánh giá Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở ASEAN, có khả năng vươn lên vị trí số hai khu vực vào năm 2030. Hành trang của Việt Nam là Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó kinh tế số là một trong 3 trụ cột.
Ông Jason Kalai, quyền trưởng đại diện ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào cho Cisco - tập đoàn công nghệ truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ, đánh giá hành trang này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa các sáng kiến số hóa của Việt Nam, đặc biệt trong quan hệ hợp tác công tư.
Ông Marc Woo, Giám đốc điều hành Google châu Á - Thái Bình Dương phụ trách Việt Nam, nhìn nhận tiềm lực phát triển kinh tế số của Việt Nam còn là cộng đồng khởi nghiệp năng động, số người trẻ am hiểu công nghệ, qua đó tận dụng được tối đa “bảo bối” AI trong chuyển đổi số. Nhiều chuyên gia đều nhận định việc tăng cường mức độ tham gia kinh tế số sẽ là chìa khóa để Việt Nam chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao.
Các nước như Lào, Campuchia và Myanmar, dù ở mức độ khác nhau, nhưng nỗ lực chuyển đổi số đều đang hội tụ cùng các nền kinh tế khác trong khu vực, để trở thành nguồn sinh lực mạnh mẽ đưa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở rộng hợp tác thương mại và kinh tế, thúc đẩy hơn nữa hội nhập kinh tế số nội khối vốn đang tăng trưởng với tốc độ chưa từng có. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nền kinh tế số của khu vực được định giá 200 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Khi hệ thống thanh toán xuyên biên giới trong khu vực, hiện đang được triển khai ở 5 nước (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore), mở rộng bao gồm tất cả 10 thành viên, sẽ giúp củng cố hội nhập tài chính nội khối - một trụ cột trong mục tiêu hội nhập kinh tế số. Theo Nico Han, nhà nghiên cứu trên tạp chí trực tuyến The Diplomat, việc hệ thống thanh toán số xuyên biên giới được triển khai trên 10 nước thành viên sẽ thúc đẩy ý thức về chủ nghĩa khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế.
Hội nhập kinh tế gia tăng sẽ tạo ra luồng sinh khí mới, thu hút sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu. Dòng đầu tư từ bên ngoài vào các nước ASEAN sẽ trở thành động lực cho thương mại xuyên biên giới, chất xúc tác để nâng hội nhập kinh tế số giữa các nước Đông Nam Á lên một tầm nấc mới, hướng tới việc đạt được Hiệp định khung kinh tế số ASEAN hiện đang được các nước đàm phán.
Nếu được triển khai, hiệp định sẽ gia tăng gấp đôi tiềm năng kinh tế số của ASEAN lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030, củng cố hơn nữa niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân vào sức mạnh kinh tế của khu vực.
Minh chứng cho sự sôi động của dòng vốn ngoại là việc các "ông lớn" công nghệ như Google, Apple, Microsoft, Nvidia và Amazon đang chi hàng tỷ USD để tăng cường các trung tâm dữ liệu AI từ Thái Lan, Malaysia đến Singapore hay Indonesia và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn dồi dào “nhiên liệu” để tăng tốc “cỗ máy chuyển đổi số”. Theo Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025, khu vực này đặt mục tiêu trở thành một cộng đồng số hàng đầu bằng cách tăng cường kết nối, tích hợp số và an ninh mạng.
Để đạt được mục tiêu này, các nước Đông Nam Á cần vượt qua một số trở ngại trên con đường hội nhập kinh tế số khu vực do đa dạng về trình độ phát triển kinh tế và khuôn khổ pháp lý. Điều quan trọng là các nước ASEAN cần hợp tác để vượt qua các rào cản về quy định và thúc đẩy các mục tiêu chung cho một thị trường số thống nhất. Vượt qua cơn biến chuyển chưa từng có tiền lệ trong kỷ nguyên số, các nước sẽ vun đắp nên “ngôi nhà số ASEAN” vững chãi trong làn sóng chuyển đổi số toàn cầu.