Ông Laborde cho biết ông đã học cách sử dụng điện thoại của mình để đi chợ, đặt vé tàu hay thuê một chiếc xe đạp, tất cả thông qua ứng dụng nhắn tin nhanh WeChat.
Số liệu từ Trung tâm thông tin Internet của Trung Quốc cho thấy tính đến tháng 12/2016, số người sử dụng Internet tại Trung Quốc đã đạt 731 triệu người, hơn cả toàn bộ dân số châu Âu, và khoảng 95% cư dân mạng, tương đương 695 triệu người, kết nối với các trang mạng thông qua thiết bị di động, trong đó 469 triệu người tiến hành thanh toán bằng điện thoại di động và 208 triệu người sử dụng nó để mua thực phẩm.
Giá trị các giao dịch thương mại điện tử ở Trung Quốc đã lên tới 21,8 tỷ NDT (3,2 tỷ USD) trong năm 2015. Con số này dự kiến sẽ đạt 38 tỷ NDT (5,5 tỷ USD) vào năm 2020.
Ông Laborde cho biết thương mại điện tử thúc đẩy tiêu dùng, bởi vì các ứng dụng này khiến cho việc mua bán khi không có tiền mặt trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Các giao dịch trực tuyến thường có nhiều lợi thế như được giảm giá hoặc khuyến mại đặc biệt. Thêm vào đó, sự gia tăng của doanh số bán lẻ trực tuyến cũng kèm theo sự phát triển của dịch vụ logistic khi hàng hoá phải được giao tận tay khách hàng.
Theo các nhà phân tích của The Financial Times, mua sắm trực tuyến chiếm 18% tổng doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc trong năm 2016, trong khi ở Mỹ con số này chỉ ở mức 8%. Hay số lượng giao dịch trên trang thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc trong ngày Single Day (Ngày độc thân) năm 2014 bằng với tổng doanh số bán hàng trong một quý tại Walmart ở Mexico.
Jorge Sanchez Tello, nhà nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu Tài chính thuộc Viện Công nghệ độc lập Mexico, cho biết tầng lớp trung lưu và mạng lưới băng thông mở rộng đã góp phần thúc đẩy sức tăng trưởng của hoạt động mua sắm trực tuyến ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.