Đây là diễn đàn khoa học công nghệ và tư vấn chính sách mang tầm quốc tế nhằm thực hiện các chủ trương của Chính phủ về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Các báo cáo đã qua phản biện, nếu được chấp nhận sẽ được xuất bản trong Kỷ yếu Diễn đàn (có chỉ số ISBN); các báo cáo có chất lượng chuyên môn tốt sẽ được lựa chọn để công bố trên Tạp chí khoa học quốc tế uy tín (trong danh mục ISI).
Diễn đàn Hà Nội là sáng kiến của ĐHQG Hà Nội, ra đời với mục đích đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thực thi các nội dung về mục tiêu phát triển bền vững thông qua nghiên cứu khoa học, công nghệ và trao đổi học thuật quốc tế. Diễn đàn Hà Nội 2018 khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo/cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng thế giới.
Đây sẽ là nơi trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó BĐKH và phát triển bền vững với 5 mục tiêu cốt lõi là: Xác định và phân tích các bằng chứng và tác động của BĐKH, thảo luận về mô hình, bài học được áp dụng thành công trong ứng phó BĐKH; Hỗ trợ, tư vấn các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân để xây dựng chính sách và chiến lược ứng phó chủ động hơn với BĐKH; Đóng góp các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải các-bon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh BĐKH; Đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu về ứng phó BĐKH; Tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác ứng phó với BĐKH ở cấp độ quốc tế và khu vực.
GS.TS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đông Đảm bảo chất lượng ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu cho biết, Diễn đàn sẽ giải đáp nhiều vấn đề nóng về BĐKH cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phủ khắp với những hậu quả nghiêm trọng, đe dọa an ninh và phát triển bền vững của toàn thể nhân loại. Các báo cáo trình bày tại diễn đàn sẽ cung cấp cơ sở cho báo cáo của Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu 2018 (COP24) sẽ diễn ra tại Ba Lan vào đầu tháng 12 tới đây.
Bên cạnh đó, Diễn đàn có 2 sự kiện đối thoại chính sách về quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long và đô thị hóa, xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.
GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh, các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi có sự cộng hưởng sức mạnh của tất cả các bên liên quan từ Chính phủ, tổ chức quốc tế, đại học, doanh nghiệp…cho đến người dân. Sự tham gia, đóng góp và cộng hưởng của các bên liên quan sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tới các mục tiêu phát triển bền vững sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH, với nhiều nguy cơ địa lý như: lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở bờ biển và sụt lún… xảy ra ở nhiều nơi khác nhau. Dù còn không ít khó khăn, song Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với những kết quả ấn tượng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt trong các lính vực giảm đói nghèo, phổ cập giáo dục, chăm sóc y tế… Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 và thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trước những vấn đề mang tính toàn cầu.