Hội nghị là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của các kết quả nghiên cứu, đề tài thuộc Chương trình; từ đó đưa ra đánh giá tổng thể về những ưu điểm, tồn tại cần khắc phục và giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh những nguy cơ, thách thức do biến đổi khí hậu đã, đang tác động tới sự phát triển hiện tại cũng như tương lại, nước ta còn đối mặt với thách thức trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Giải quyết các vấn đề nêu trên, 3 năm qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước triển khai Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, đến nay Chương trình đã có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của các đề tài đạt trình độ khoa học công nghệ cao, tiệm cận được các tiêu chuẩn tiên tiến của khu vực và trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Chiến lược chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, Chương trình đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần đào tạo hiệu quả đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Đến nay các đề tài đã đăng được 13 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, 5 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia - Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020 được Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 172 ngày 29/1/2016 với các mục tiêu: Ứng dụng có hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; Đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra tại các vùng trọng điểm: Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng.
Chương trình đặt mục tiêu cung cấp luận chứng khoa học cho việc đánh giá tiềm năng, giá trị của một số tài nguyên quan trọng trên đất liền và biển, hải đảo; đề xuất các định hướng quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia.
Bên cạnh đó, Chương trình triển khai các nghiên cứu nhằm làm rõ quan hệ và lượng giá biến đổi khí hậu - tài nguyên - môi trường - hệ sinh thái, theo đó đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, quản lý tổng hợp tại một số vùng trọng điểm.
Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Chương trình trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020 cho biết: Để thực hiện các mục tiêu trên, Chương trình có 3 nội dung chủ yếu gồm: ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên và môi trường; nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt triển khai thực hiện 38 đề tài, trong đó 30 đề tài bắt đầu thực hiện từ năm 2016 và 2017, 8 đề tài bắt đầu thực hiện từ quý IV năm 2018.