Việc trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng AI vào báo chí không chỉ giúp đội ngũ làm báo nâng cao năng lực tác nghiệp, còn góp phần tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn hơn. Một chiến lược đào tạo nhân lực báo chí mới cần triển khai đồng bộ, từ cải cách chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ cho đến gắn kết với thực tiễn.
Lan tỏa mạnh mẽ xu hướng làm báo bằng công nghệ
Nhận thấy tầm quan trọng của việc nâng cao nghiệp vụ trong bối cảnh báo chí hiện đại đang có những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển của các nền tảng số và ứng dụng AI, thời gian qua, các cấp Hội Nhà báo, cơ quan, tòa soạn báo tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về AI, công nghệ số cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Có thể kể đến như: Hội Nhà báo Gia Lai lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về kỹ năng ứng dụng công nghệ AI trong sáng tạo nội dung báo chí, tập trung vào các nội dung: Al là gì; cơ hội - thách thức của trí tuệ nhân tạo trong báo chí; kỹ năng ứng dụng AI trong thu thập, kiểm chứng thông tin; kỹ năng ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí...
Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí với chủ đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong làm báo đa phương tiện và sản xuất nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội" cho phóng viên, nhà báo đang hoạt động trên địa bàn. Nội dung tập huấn tập trung vào việc ứng dụng AI trong báo chí, trong sản xuất nội dung số, bản tin phát thanh, giải băng video, xây dựng kênh mạng xã hội, viết bài tự động, tóm tắt tin tức, tối ưu SEO, phân tích dữ liệu, kiểm tra tin giả, tạo hình ảnh, dịch thuật.
Khóa đào tạo "Ứng dụng AI trong nghiệp vụ báo chí nâng cao" do Báo Người lao động phối hợp Trung tâm đào tạo Bưu chính viễn thông, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông tổ chức. Nhà báo Lê Cao Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động khẳng định: Việc thường xuyên cập nhật các kỹ năng sử dụng AI không chỉ để hiểu công nghệ mà là để thay đổi tư duy làm báo, thay đổi cách làm để tăng tốc độ - tăng chất lượng - giảm áp lực, hướng tới một tòa soạn hiện đại, chuyên nghiệp và bắt kịp xu hướng. Sau khóa đào tạo nâng cao, mỗi phóng viên, biên tập viên sẽ sử dụng thành thạo, thường xuyên ít nhất từ 2-3 công cụ AI chuyên biệt - tùy theo tính chất công việc của từng người. Quá trình ứng dụng AI vào công việc hằng ngày sẽ được xem là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá năng lực cá nhân trong tòa soạn.
Nâng cao kỹ năng của phóng viên, biên tập viên về AI
Thông qua các lớp tập huấn, cũng như đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, tại một số cơ quan, tòa soạn báo đã có tới 70-80%, thậm chí 100% phóng viên, biên tập viên biết, sử dụng một công cụ AI ở mức độ cơ bản.
Từ năm 2024, Chi hội nhà báo báo Lao Động đã tổ chức nhiều buổi trao đổi nghiệp vụ giới thiệu về AI. Đầu năm 2025 đến nay, Chi hội đã tổ chức hai chuyên đề nội dung lớn liên quan đến AI như: giới thiệu về AI và dự báo về sự phát triển của AI trong giai đoạn hiện nay; cách tạo câu lệnh để AI hỗ trợ đặt tít, tạo từ khoá chuẩn SEO cho bài viết cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo. Năm 2025, công tác đào tạo được nâng lên một bước là hướng dẫn cho phóng viên, biên tập viên sử dụng AI một cách có hiệu quả, tương tác, ra lệnh cho AI theo đúng chuẩn để AI cho ra kết của chính xác nhất với yêu cầu của người dùng. Với các buổi trao đổi nghiệp vụ trên, hiểu biết, kỹ năng của cán bộ, phóng viên về AI đã được nâng cao lên rất nhiều. Đến nay, 100% cán bộ phóng viên, biên tập viên của báo đều biết và sự dụng một công cụ AI ở mức độ cơ bản.
Với mục tiêu tự chủ về AI và đào tào kỹ năng sử dụng AI thực chiến cho đội ngũ cán bộ phóng viên, năm 2024, báo tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, đào tạo con người có thể vận hành sử dụng AI ở các mức độ khác nhau; năm 2025, báo bắt đầu tích hợp mô hình AI Gemini của Goole vào trong hệ thống CMS... Báo cũng khuyến khích, gợi ý cho phóng viên, biên tập viên sử dụng các công cụ, mô hình AI chuyên biệt, phục vụ cho việc sản xuất một hoặc nhiều loại hình đa phương tiện... Ban Biên tập báo cũng đưa ra các quy định cụ thể, yêu cầu phóng viên, biên tập viên chỉ coi AI chỉ là công cụ hỗ trợ trong hoạt động sản xuất tin bài nhằm hạn chế rủ ro AI có thể gây ra.
Nhằm hỗ trợ cho đội ngũ hội viên, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức với nòng cốt là Liên chi hội nhà báo Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh. Kết quả, đội ngũ phóng viên, nhà báo đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, yêu cầu của báo chí đa phương tiện, từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực... Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Từ việc được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, năng lực, sở trường, khả năng của mỗi phóng viên, biên tập viên ngày càng nâng lên. Đến nay, khoảng 70% phóng viên, biên tập viên có thể sản xuất tin, bài đa phương tiện cho nhiều loại hình báo chí, trong đó, khoảng 15% phóng viên, biên tập viên tập trung sản xuất các tác phẩm chuyên sâu. Nhìn chung, đội ngũ này cũng đáp ứng được việc sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện của cơ quan báo chí.
Đáp ứng yêu cầu đào tạo báo chí trong thời đại chuyển đổi số
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng AI cho lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng gặp không ít khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo báo chí trong thời đại chuyển đổi số, AI và bộ máy tinh gọn, theo một số chuyên gia, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ cấp độ nhà nước, cơ sở đào tạo đến từng cơ quan báo chí, trong đó các sinh viên báo chí cần được đào tạo ngay từ nhà trường trước khi về làm việc tại các cơ quan, tòa soạn báo.
Đại diện Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Các cơ sở đào tạo báo chí cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp đa nền tảng và ứng dụng công nghệ. Chương trình đào tạo cần thiết kế lại theo định hướng mô - đun hóa, linh hoạt, tích hợp các kỹ năng sản xuất nội dung đa phương tiện, quản trị nền tảng, phân tích dữ liệu, ứng dụng AI trong báo chí. Cần bổ sung các học phần về đạo đức số, nhận diện tin giả, an ninh truyền thông trong môi trường mạng. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa nhà trường và cơ quan báo chí.
Mô hình "Trường học - Tòa soạn - Doanh nghiệp" nên được xây dựng vững chắc để sinh viên có thể học trong thực tiễn. Các cơ sở đào tạo cần thiết lập chương trình thực tập dài hạn, các dự án truyền thông có sự tham gia của sinh viên và nhà báo, xây dựng phòng tin giả lập theo mô hình tòa soạn hội tụ; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về công nghệ truyền thông mới, ứng dụng AI trong báo chí cho giảng viên. Khuyến khích sự tham gia của nhà báo thực tiễn vào giảng dạy như một phần của chiến lược "trường học mở". Đầu tư cơ sở vật chất, học liệu số hóa hiện đại Nhà nước và các cơ sở đào tạo cần đầu tư xây dựng các studio đa năng, phòng dựng hậu kỳ, nền tảng học trực tuyến tương tác cao, cơ sở dữ liệu số hóa phục vụ học tập, nghiên cứu báo chí hiện đại. Song song đó là thư viện học liệu mở, các case study thực tế cập nhật liên tục. Cùng đó, định hướng đạo đức nghề nghiệp và bản sắc văn hóa số cho sinh viên.
Trong bối cảnh AI có thể hỗ trợ nội dung, người làm báo càng cần bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức và tinh thần trách nhiệm xã hội. Đào tạo báo chí không chỉ là đào tạo kỹ năng, còn rèn luyện tư duy độc lập, bản lĩnh chính trị và năng lực phản biện có trách nhiệm...