Miếng nhôm giá nghìn đô
Giá đỡ màn hình máy tính này là một trong nhiều thiết bị và bản cập nhật phần mềm mà Apple thông báo tại hội nghị thường niên.
Chiếc giá đỡ mới (Pro Stand) là thiết bị duy nhất mà Apple bán để dùng kèm với màn hình độ phân giải 6K Pro Display XDR giá 4.999 USD.
Ngoài ra, khách hàng cần phải mua một thiết bị gắn tường với giá 199 USD. Thiết bị gắn tường VESA này phải được gắn vào giá đỡ màn hình.
Như vậy, để sắm đủ bộ, khách hàng cần một máy tính Mac Pro của Apple có giá 5.999 USD, màn hình Pro Display XDR giá 4.999 USD, giá đỡ Pro Stand giá 999 USD và thiết bị gắn tường 199 USD. Tổng số tiền phải bỏ ra là 12.196 USD, chưa kể thuế và phí giao hàng.
Chiếc giá đỡ màn hình Pro Stand có thể điều chỉnh chiều cao và quay 120mm. Người dùng cũng có thể nghiêng hoặc quay màn hình theo vị trí ngang hoặc dọc. Giá đỡ làm bằng nhôm và phủ bạc.
Apple vốn nổi tiếng bán sản phẩm với giá đắt đỏ, nhưng khi Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật phần cứng của Apple, ông John Ternus thông báo giá của chiếc giá đỡ màn hình là 999 USD, khán giả tại hội nghị đã đặc biệt sốc.
Theo tạp chí công nghệ Wired, người dùng có thể mua một loạt sản phẩm của Apple với giá 999 USD đó. Ví dụ như 6 đôi tai nghe không dây thế hệ hai AirPod, một MacBook Air 2019 (bù thêm khoảng 200 USD), hay một số sản phẩm của Apple như loa thông minh HomePod, Apple TV 4k.
Mức giá này đã khiến Apple hứng chịu nhiều bình luận, chỉ trích tiêu cực trên mạng xã hội.
Một người chuyên viết về công nghệ bình luận trên Twitter: “Chỉ có Apple mới bán một chiếc giá đỡ với giá 1.000 USD và trưng bày nó như là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi thậm chí còn không mua nổi giá đỡ dùng cho Mac Pro”.
Một số người còn chỉ ra rằng thanh nhôm bóng loáng của Apple còn đắt hơn cả một số mẫu iPhone, ví dụ như chiếc iPhone XS.
Có người còn bình luận: Nếu bạn làm việc thực sự chăm chỉ, bỏ uống cà phê, không bao giờ ra ngoài chơi với bạn bè, bạn sẽ có trong tay thanh nhôm kia một ngày nào đó.
Một bình luận trên một blog công nghệ viết: “Hôm nay, Apple hoàn toàn sai lầm với chiếc giá đỡ màn hình 999 USD”.
Tờ Gizmodo viết: "Sau bài phát biểu của lãnh đạo Apple, dường như chiếc giá đỡ màn hình đắt đỏ là thứ duy nhất mọi người muốn bàn tán".
Nhiều người thường nghĩ rằng cũng như giá đỡ TV, giá đỡ màn hình máy tính là một phần của màn hình, chứ không ai nghĩ Apple lại bán riêng hai thứ. Với người mua, đây không chỉ là việc một giá đỡ có giá cắt cổ mà họ còn có thể bực mình vì phải bỏ thêm tiền mua thứ đáng lẽ ra phải đi kèm với màn hình.
Bán hàng thông minh
Dù vậy, với mức giá và đặc điểm thiên về thiết kế, màn hình Pro Display XDR rõ ràng nhắm tới các khách hàng là chuyên gia làm trong lĩnh vực sáng tạo, chứ không phải là người tiêu dùng bình thường.
Video mọi người xúm vào chụp ảnh, quay phim chiếc giá đỡ Pro Stand (nguồn: Dave Lee/BBC):
Do đó, theo Business Insider, việc Apple bán riêng màn hình và giá đỡ cũng là có lý.
Theo người viết Vlog nổi tiếng Marques “MKBHD” Brownlee, nhiều người biên tập video chuyên nghiệp dùng những màn hình chuyên nghiệp đã có sẵn giá đỡ. Khi họ muốn nâng cấp màn hình, họ chỉ cần tháo màn hình ra và đặt màn hình mới vào chỗ cũ. Họ không cần mua thêm thiết bị gắn tường và giá đỡ mới”.
Như vậy, đây là một điểm thông minh. Có điều nó đã bị chìm nghỉm trong những phản ứng giận dữ sau khi Apple công bố mức giá chiếc Pro Stand.
Marques “MKBHD” Brownlee nói trong một video: “Bạn và tôi hay phần lớn người theo dõi hội nghị của Apple, cũng như phần lớn người bình thường chỉ nghĩ về việc màn hình và giá đỡ phải đi liền nhau. Vì thế ta nghĩ điều mà Apple lẽ ra phải thông báo là đây là chiếc màn hình giá 6.000 USD. Tuy nhiên, nếu ta muốn mua màn hình mà không có giá đỡ, ta được giảm giá 1.000 USD”.
Nói cách khác, thay vì giới thiệu chiếc giá đỡ là phụ kiện đi kèm, Apple lẽ ra nên giới thiệu giá trọn gói, rồi thông báo sẽ giảm giá 1.000 USD cho những người biên tập video chuyên nghiệp vốn đã có giá đỡ tương thích.
Vì vậy, theo Marques “MKBHD” Brownlee, giá đỡ nghìn đô này của Apple không phải là chiêu moi tiền mà là cách bán hàng riêng cho nhóm khách hàng đặc thù. Dù vậy, Apple đã thất bại trong cách giới thiệu sản phẩm và gây ra làn sóng tức giận.