Lo ngại về bảo mật an ninh mạng, quyền riêng tư là một trong những vấn đề nổi cộm nhất, những bài toán hóc búa nhất liên quan tới công nghệ, vốn đã xuất hiện từ lâu và khi công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong mùa dịch COVID-19, càng trở nên cấp thiết.
Các chuyên gia của McKinsey & Company, công ty tư vấn quản lý của Mỹ, cho rằng sau đại dịch, thế giới sẽ chứng kiến sự nổi lên của mô hình kinh tế “không tiếp xúc”, điển hình là sự phát triển của các lĩnh vực: thương mại điện tử, khám chữa bệnh từ xa và tự động hóa. Chúng ta có thể hình dung ra một thế giới mà sự tiếp xúc của con người từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm được giảm thiểu tối đa, nhưng không bị loại bỏ hoàn toàn. Phương thức làm việc từ xa và trực tuyến qua kết nối Internet sẽ ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho tội phạm mạng.
Các nhóm tin tặc có thể lợi dụng sự thay đổi trong phương thức làm việc để thực hiện nhiều vụ tấn công mạng. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các vụ tấn công mạng gia tăng đột biến nhằm vào thư điện tử của các nhân viên. Hồi tháng 4, khoảng 450 thư điện tử của các nhân viên WHO bị rò rỉ trên mạng, cùng với đó là hàng nghìn thư điện tử khác của giới chuyên gia nghiên cứu phòng dịch. WHO cho biết tổng số vụ tấn công mạng nhằm vào tổ chức này đã cao hơn 5 lần so với năm ngoái, và gần như ngày nào cũng xảy ra các vụ tấn công.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch, chính phủ nhiều nước đang áp dụng các biện pháp giám sát công nghệ, nhằm truy tìm những người có khả năng nhiễm virus. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhiều công ty công nghệ và ít nhất 30 chính phủ đã bắt đầu áp dụng và triển khai các công cụ theo dõi. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ hầu hết các công cụ này đều thiếu khuôn khổ quản lý. Không thể phủ nhận công nghệ truy vết giúp giám sát sự lây lan của virus tốt hơn, và sớm ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng mặt trái của điều đó là những lo ngại về quyền riêng tư bị xâm phạm khi khung luật pháp của hầu hết các quốc gia đều không kịp cập nhật để thích nghi với những bước tiến thần tốc của công nghệ. Báo cáo viên của Liên hợp quốc về quyền riêng tư Joseph Cannataci cho rằng công nghệ đang thay đổi quá nhanh, nhưng lại thiếu những quy định về bảo mật riêng tư cho người dùng.
COVID-19 và những bước tiến thần tốc của công nghệ cũng một lần nữa nhắc nhở về những thách thức nhân loại sẽ phải đối mặt trong một tương lai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một trong số đó là vấn đề bất bình đẳng. Theo ước tính của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), có khoảng 3,6 tỷ người không tiếp cận được Internet. Thiếu Internet và điện thoại thông minh, người dân sẽ khó tiếp cận được với các thông tin và bị bỏ lại trong tiến trình số hóa.
Liên hợp quốc, WHO và nhiều tổ chức quốc tế khác từng bày tỏ quan ngại người nghèo là đối tượng bị tổn thương do dịch. Lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở. Ngay cả với các nước phát triển như Mỹ, những người ở các vùng hẻo lánh, nông thôn cũng khó tiếp cận được với Internet, bởi chi phí lắp đặt đường truyền cao, và cũng không phải công ty nào cũng sẵn sàng cung cấp Internet tới các khu vực nông nghiệp của nước này
Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp cũng đặt con người đối mặt với nhiều nguy cơ về tài chính, an ninh hay sức khỏe. Do giãn cách xã hội, ngày càng nhiều người dành thời gian ở nhà, khiến họ phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào công nghệ để duy trì các mối quan hệ ngoài đời thật. Trong rất nhiều trường hợp, hiệu quả của các cuộc tiếp xúc từ xa không thể bằng các hình thức giao tiếp truyền thống. Nếu nhà quản lý không gặp nhân viên hằng ngày, sự tin tưởng lẫn nhau trong doanh nghiệp có thể sẽ đi xuống, dẫn tới hợp tác không hiệu quả. Đó là chưa kể mối rủi ro đối với những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, như trẻ em.
Làn sóng phát triển quá nhanh của công nghệ cũng có thể kéo theo những bất ổn về kinh tế, đời sống và chính trị. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp lần thứ tư, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể.
Theo đánh giá của WEF, để hạn chế những mặt tiêu cực, các chính phủ cần xây dựng những cấu trúc giám sát công nghệ phù hợp. Một số giải pháp chính phủ các nước có thể thực hiện ngay trong giai đoạn chống dịch COVID-19, như việc sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng cần được giới hạn cụ thể và trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn để theo dõi tiếp xúc xã hội hoặc thực hiện cách ly. Bên cạnh đó, cần áp dụng nguyên tắc minh bạch.
Thực tế nhiều nước trên thế giới đang có những bước đi quyết liệt để vừa đảm bảo kiểm soát dịch, vừa không xâm phạm quyền riêng tư. Đầu tháng 5, Chính phủ Australia đã giới thiệu phần mềm truy vết COVID-19 mang tên Covidsafe, với độ bảo mật cao, theo đó dữ liệu mà ứng dụng thu thập sẽ được lưu trên điện thoại trong vòng 21 ngày và chỉ được chia sẻ cho nhân viên y tế nếu người sử dụng đồng ý. Ngoài ra, dữ liệu của ứng dụng được lưu giữ trên máy chủ đặt tại Australia và không một ai có thể truy cập các thông tin này ngoài các nhân viên y tế của các bang. Dữ liệu này chỉ để phục vụ mục đích duy nhất là truy tìm những người mà bệnh nhân mắc COVID-19 đã có tiếp xúc gần.
Tại Việt Nam, trước những lo ngại về ứng dụng Bluezone, cơ quan chức năng khẳng định Bluezone chỉ lưu dữ liệu trên máy của người dùng, không chuyển tiếp lên hệ thống. Chỉ khi người dùng trở thành F0, dữ liệu này mới được chia sẻ cho cơ quan chức năng, bởi lẽ mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đều ẩn danh với những người khác. Đặc biệt, Bluezone cũng không thu thập dữ liệu về vị trí người dùng và được mở mã nguồn để bảo đảm tính minh bạch. Toàn bộ dữ liệu liên quan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật.
Chuyên gia tư vấn kỹ thuật số Jonathan Tanner thuộc Viện Phát triển hải ngoại (ODI) có trụ sở tại Anh nhận định: “Đôi khi tốc độ phát triển của các công nghệ mới bị kìm hãm bởi những hạn chế về cơ sở hạ tầng, tài chính và chính sách. Nhưng khi đối mặt với một thách thức như đại dịch COVID-19, sẽ có những động lực mạnh mẽ thôi thúc chúng ta nhanh chóng khắc phục những khó khăn này và đưa công nghệ mới vào thử nghiệm thực tế”. Dịch bệnh khiến chính phủ các nước hướng tới công nghệ nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi một cách tiếp cận phù hợp trên cơ sở cân nhắc cẩn thận khả năng ứng dụng công nghệ để chống lại dịch COVID-19 và giải quyết một loạt các vấn đề khác liên quan. Với việc các nước áp đặt biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, và ngày càng nhiều người phụ thuộc vào công nghệ, các nhà hoạch định chính sách có thể coi đây là cơ hội để thiết lập những công cụ số và hợp tác trong tương lai. Dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy một thực tế là công nghệ có thể trở thành trợ thủ đắc lực đồng hành cùng con người, nếu con người biết tận dụng hiệu quả và hợp lý.