Hình ảnh mới công bố cho thấy một bức tường khí và bụi dày giống như một sinh vật có cánh khổng lồ với phần diều được thắp sáng nhờ một ngôi sao. Tinh vân này nằm trong chòm sao Orion, cách Trái Đất 1.350 năm ánh sáng, trong một điều kiện được cho là giống như khi hệ Mặt Trời mới hình thành hơn 4,5 tỷ năm trước. Các nhà thiên văn học rất quan tâm tới chòm sao này vì tin rằng qua nghiên cứu chòm sao sẽ có thể hiểu rõ hơn về giai đoạn vài triệu năm đầu tiên hình thành Trái Đất.
Những hình ảnh mới thu được là một phần của chương trình "Early Release Science", có sự tham gia của trên 100 nhà khoa học từ 18 quốc gia, bao gồm các viện nghiên cứu như Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Đại học Wesstern ở Canada và Đại học Michigan.
Nhà vật lý thiên văn học Els Peeters từ Đại học Western bày tỏ ngỡ ngàng trước những hình ảnh mới công bố, cho rằng những hình ảnh này sẽ giúp hiểu rõ hơn về cách thức các ngôi sao lớn biến đổi đám mây khí và bụi mà chính từ đó những ngôi sao được hình thành.
Edwin Bergin, Trưởng khoa thiên văn học của Đại học Michigan, một thành viên của nhóm nghiên cứu, hy vọng đây sẽ là cơ hội để hiểu rõ hơn về toàn bộ quy trình hình thành một ngôi sao.
Các tinh vật bị che khuất bởi khối lượng lớn bụi vũ trụ nên các kính viễn vọng thế hệ trước của James Webb khó có thể quan sát một cách rõ nét. Nhờ khả năng vận hành chủ yếu trong quang phổ nhạy cảm với tia hồng ngoại, kính viễn vọng James Webb có thể nhìn xuyên qua những lớp bụi để chụp lại những hình ảnh ẩn bên trong.
Là công trình hợp tác quốc tế giữa NASA, Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Canada, kính James Webb được đánh giá là kính viễn vọng có chất lượng cao nhất được phát triển cho đến nay và dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 20 năm.