Trong tuyên bố chung, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết đám mây đầy màu sắc này chỉ có thể nhìn thấy được trong ánh sáng hồng ngoại. Các nhà thiên văn học đã có thể nhìn thấy hình ảnh chưa từng có trước đây nhờ thiết bị camera hồng ngoại NIRCam của James Webb.
Ngôi sao rất trẻ trên, được biết đến với cái tên tiền sao L1527, bị che khuất trong vùng tối bởi rìa của một đĩa khí đang quay ở cổ của đồng hồ cát. Tuy nhiên, ánh sáng thoát ra từ đầu và chân đĩa khí đã thắp sáng những đám mây hình đồng hồ cát. Những đám mây được tạo thành từ các vật chất thoát ra từ ngôi sao khi va chạm với vật chất xung quanh. Lớp bụi mỏng nhất tập trung trong vùng màu xanh lam và dày nhất ở khu vực màu cam.
L1527, mới chỉ 100.000 năm tuổi và đang ở giai đoạn đầu hình thành, vẫn chưa thể tạo ra năng lượng của mình. Đĩa đen quanh nó, có kích cỡ tương đương hệ Mặt Trời, sẽ cung cấp vật chất cho tiền sao này cho đến khi nó đạt đến "ngưỡng để bắt đầu phản ứng tổng hợp hạt nhân" để "tiến hóa". Tuyên bố nhấn mạnh "việc quan sát được L1527 mở ra cánh cửa để hiểu được Mặt Trời và hệ Mặt Trời của chúng ta trông như thế nào vào thuở sơ khai". L1527 nằm trong một đám mây phân tử Taurus, một “vườn ươm sao” chứa hàng trăm ngôi sao sắp hình thành, cách Trái Đất khoảng 430 năm ánh sáng.
Được đưa vào vận hành từ tháng 7, James Webb là kính viễn vọng không gian mạnh nhất từ trước tới nay, đã tiết lộ một loạt dữ liệu chưa từng thấy cũng như nhiều hình ảnh ấn tượng về vũ trụ. Các nhà khoa học hy vọng kính Jame Webb sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong công cuộc khám phá vũ trụ. Một trong các mục đích chính đặt ra cho chiếc kính trị giá 10 tỷ USD này là nghiên cứu vòng đời của các ngôi sao. Ngoài ra, việc nghiên cứu các hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời cũng là một trong những nhiệm vụ của James Webb.