Cuộc tranh tài sẽ kéo dài 8 tiếng, giữa 10 đội thi xuất sắc, trong đó 2 đội của Việt Nam, 3 đội đến từ Mỹ, 2 đội Hàn Quốc và 3 đội khác đến từ Nga, Ấn Độ và Đức.
Ở vòng chung kết, bài thi có tính phân loại cao về trình độ. Sau khi vượt qua các thử thách của nội dung Jeopardy, 10 đội sẽ bước vào phần Tấn công/Phòng thủ (Attack/Defense) trong môi trường giả lập.
Ban Tổ chức đã xây dựng một hệ thống kiểm soát an ninh (Security Management System) sử dụng các thiết bị phần cứng thực tế để các đội thi thực chiến như các tình huống ngoài cuộc sống. Các đội, một mặt phải tấn công, khai thác các lỗ hổng của đội khác để vô hiệu hóa hệ thống camera an ninh, phát hiện chuyển động, đèn giám sát… đồng thời phải bảo vệ hệ thống của mình. Để hoàn thành tốt phần thi đòi hỏi các đội có kỹ năng thực tế cũng như hiểu biết sâu rộng về an ninh hạ tầng, an ninh ứng dụng, mã hóa, an ninh web…
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, chuyên gia giỏi đóng vai trò then chốt. Các cuộc thi như WhiteHat Grand Prix sẽ giúp thúc đẩy phong trào phát triển nhân lực an ninh mạng trong nước, đồng thời khẳng định uy tín của Việt Nam trong cộng đồng an ninh mạng quốc tế”.
WhiteHat Grand Prix được tổ chức lần đầu tiên ở cấp quốc gia năm 2014 và bắt đầu mở rộng ra quy mô toàn cầu từ năm 2015. Vòng loại cuộc thi thu hút số lượng tham gia kỷ lục với 739 đội đến từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các đội đang nằm trong top 10 bảng xếp hạng CTFTime.
Theo lịch trình ban đầu, cuộc thi an toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 06 tổ chức vào đầu năm 2020 nhưng do dịch COVID-19 nên cuộc thi phải lùi lịch tổ chức và chuyển sang thi online, thay vì offline.
Cuộc thi được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ chính thức, Cục An toàn thông tin và Tập đoàn công nghệ Bkav đồng phối hợp tổ chức.