Chim cánh cụt có kỹ năng xác định dòng nước tinh vi vượt xa con người

Khác với con người hay nhiều loài vật cần mốc thị giác để cảm nhận dòng chảy, chim cánh cụt Magellan có khả năng “đọc” dòng nước giữa đại dương mênh mông nơi hoàn toàn không có điểm tựa. Khi dòng chảy đại dương mạnh lên, chim cánh cụt Magellan sẽ thay đổi chiến thuật di chuyển để tiết kiệm năng lượng, thay vì bơi ngược dòng một cách tốn sức.

Chú thích ảnh
Chim cánh cụt trên đảo Deception, Nam Cực. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo nghiên cứu công bố ngày 17/7 trên tạp chí PLOS Biology, chim cánh cụt Magellan (tên khoa học: Spheniscus magellanicus) thường chọn đường thẳng quay về tổ sau chuyến đi săn trong điều kiện nước yên ả. Nhưng khi gặp dòng chảy mạnh, chúng lại "thuận dòng mà đi", dù quãng đường có dài hơn.

Từ tháng 9 đến tháng 2, chim cánh cụt Magellan sinh sản tại các vùng ven biển Chile và Argentina. Trong thời gian này, chim trưởng thành có thể bơi hơn 100 km để tìm cá nhỏ, mực và động vật thân mềm làm thức ăn cho con.

Chuyên gia sinh học Rory Wilson thuộc Đại học Swansea (Vương quốc Anh), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng lao xuống biển, bơi đi rất xa, bắt cá, rồi quay trở về và mớm mồi cho con non”. Wilson và các cộng sự đã gắn thiết bị định vị GPS và bộ ghi chuyển động lên 27 cá thể chim cánh cụt trưởng thành ở khu vực bán đảo Valdés (Argentina), để theo dõi hành trình tìm mồi và quay về tổ trong điều kiện dòng chảy khác nhau.

Có cá thể đã bơi suốt 30 giờ đi săn trước khi quay về tổ trong chuyến đi kéo dài tới 16 giờ. Giai đoạn đầu của hành trình quay về, tất cả đều hướng thẳng đến tổ. Tuy nhiên, hướng bơi sau đó lại thay đổi tùy theo tình hình dòng nước.

Khi biển lặng, chim cánh cụt bơi gần như theo đường thẳng. Nhưng trong những ngày dòng chảy mạnh, chúng chọn lộ trình ngoằn ngoèo hình chữ S, theo dòng thủy triều tự nhiên quanh bán đảo. Dòng triều đổi chiều trong lúc chúng di chuyển, giúp chúng không bị cuốn lệch hướng. Nhờ đó, chúng tiết kiệm được năng lượng mà còn có cơ hội săn thêm mồi.

Nhà nghiên cứu David Grémillet từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp nhận định, hành vi này cho thấy chim cánh cụt có khả năng đánh giá sức mạnh và hướng của dòng chảy để chọn cách di chuyển hợp lý nhất.

Theo ông, kỹ năng này có thể hình thành từ sự kết hợp giữa bản năng và kinh nghiệm. Ông nói: “Chúng có sẵn một dạng ‘sổ tay hướng dẫn sử dụng biển cả’ được mã hóa trong gien”. Chim non cũng học hỏi liên tục từ hành vi của chim trưởng thành.

Cách mà chim cánh cụt cảm nhận sức mạnh dòng chảy vẫn là điều bí ẩn. Ở cno người và các loài vật khác, việc xác định dòng nước thường dựa vào cảm giác bị sóng kéo đi so với các mốc thị giác cố định như núi hay hải đăng. Nhưng ở giữa đại dương, nơi không có điểm tựa rõ ràng, thì cảm nhận dòng chảy là một thách thức lớn.

Ông Grémillet nhận xét: “Cách động vật cảm nhận hướng và sức mạnh của dòng nước là một trong những bí ẩn lớn nhất về khả năng định hướng của giới sinh vật”.

Thanh Tùng (TTXVN)
Phân chim cánh cụt giúp chống biến đổi khí hậu
Phân chim cánh cụt giúp chống biến đổi khí hậu

Phân của chim cánh cụt có thể đang làm cho bầu trời Nam Cực trở nên nhiều mây hơn và góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN