Cần chính sách cụ thể và cơ chế cạnh tranh để tạo sự liên kết tri thức 

Thảo luận tại Lễ công bố Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tổ chức chiều 19/8 tại Hà Nội, các ý kiến của các nhà khoa học và doanh nghiệp tham dự đều cho rằng, cần có những chính sách cụ thể, quy trình, cơ chế cạnh tranh để tạo sự liên kết tri thức và tạo ra đội ngũ đủ năng lực đáp ứng nhu cầu, đóng góp sức mình cho Tổ quốc.

Đồng thời, cần hành động nhanh chóng hơn nữa để có thể tận dụng một cách có hiệu quả các cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0. 

Chú thích ảnh
Chương trình Kết nối mạng lưới sáng tạo Việt Nam năm 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Ngoại giao tổ chức. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Từ thực tế của doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) bày tỏ: "Với đặc thù mở rộng thị trường kinh doanh sang nhiều nước trong khu vực và thế giới, nhu cầu kết nối để cạnh tranh của tập đoàn là rất lớn. Chúng tôi cảm nhận rất rõ quá trình cạnh tranh gay gắt diễn ra trên thị trường, từ cạnh tranh nguồn lực, công nghệ tới quy trình quản lý… Đối với mỗi vấn đề, chúng tôi đều xem xét xem là đưa yếu tố nào vào thì phù hợp và hiệu quả, công nghệ nào thì hợp lý. Nếu chúng tôi không có công nghệ đó, chúng tôi sẽ đi tìm kiếm bên ngoài”. 

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cũng cho biết hiện nay có khoảng 80.000 chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Điều cho thấy, rõ ràng Việt Nam đang rất có nhu cầu về tiếp cận nguồn tri thức chất lượng cao. 

Tuy nhiên, TS. Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) cho rằng, ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ. Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ; trong đó, có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công. Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới. 

Theo TS. Bùi Hải Hưng, cần tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam và đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây. 

Tuy vậy, theo GS.Ngô Bảo Châu, để sáng kiến kết nối này “có đích đến” và thực tế hơn, sáng kiến cần quy tụ nhu cầu cũng như giải pháp và nguồn lực để giải quyết nhu cầu đó. “Theo đó, cần có quy trình, cơ chế cạnh tranh để sự liên kết tri thức tạo ra đội ngũ đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đó. Nếu không có những bước rõ ràng, cụ thể, sẽ rất khó để sáng kiến về đổi mới, sáng tạo đi đến đích cuối cùng”, ông Châu nhấn mạnh. 

PGS. TS Hồ Anh Văn từ Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản cho hay, công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là: "Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ". Nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự đón nhận sẵn sàng. 

Nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam duy nhất làm việc tại Google Brain, ông Lê Việt Quốc đặc biệt lưu ý, mặc dù cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ, nhưng dường như Việt Nam lại chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng. Ông Quốc cho rằng, Việt Nam cần hành động nhanh chóng hơn nữa để có thể tận dụng một cách có hiệu quả cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0. 

Cho rằng không ai hiểu Việt Nam bằng người Việt Nam, TS. Trịnh Toàn (nhà khoa học làm việc tại Hoa Kỳ) bày tỏ mong muốn, thúc đẩy liên kết giữa các nhà khoa học trong nước và ngoài nước để cùng kết nối tri thức, giải các bài toán phát triển đất nước. Đồng thời, cần có nhiều dự án để những chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài tham gia. Còn TS. Phạm Quang Cường, giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang (nhà khoa học làm việc tại Singapore) rất mong muốn hợp tác, tham gia các dự án, nhà máy công nghiệp tại Việt Nam để phát triển các robot “Made in Việt Nam”. TS. Cường cũng như các ý kiến tại cuộc gặp mặt kiến nghị Chính phủ có chính sách tạo điều kiện để những nhà khoa học ở nước ngoài có cơ hội đóng góp sức mình cho Tổ quốc. 

Với sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, đã có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài hưởng ứng tham gia. Cùng với đó,. hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong nước và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu gặp gỡ, tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc trở về của các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành “cơ hội lớn, ngàn năm có một, đối với các nước đang phát triển như nước ta, để chuyển đổi nền kinh tế, đột phá phát triển, thu hẹp khoảng cách, tránh tụt hậu”.

Thúy Hiền  (TTXVN )
Liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông còn yếu, xuất khẩu trái cây vẫn loay hoay
Liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông còn yếu, xuất khẩu trái cây vẫn loay hoay

Câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp, nhà vườn và các ngành chức năng giúp trái cây Việt nâng cao được chất lượng, khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu đã được đặt ra từ lâu, thế nhưng đến nay vẫn đang loay hoay với bài toán... liên kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN