Cá mập nói trên có tên WasteShark (cá mập dọn rác) do công ty RanMarine của Hà Lan sản xuất. WasteShark (ảnh) lấy cảm hứng từ chiếc mồm rộng của cá voi nhưng có hình dạng như mồm cá mập. Chiếc mồm rộng này sẽ “ăn” mọi loại rác nổi trên mặt nước.
Ý tưởng cá mập dọn rác hình thành từ năm 2016 và thiết bị này bắt đầu hoạt động ở khu vực Dubai Marina trong tháng 11 sau một năm thử nghiệm cùng đối tác Ecocoast.
WasteShark có cả mẫu tự động và mẫu sử dụng điều khiển từ xa. Với kích thước 1,5m x 1,1m, thiết bị có thể chứa gần 160kg rác và có thời lượng pin hoạt động 16 giờ.
CNN dẫn báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết tính tới năm 2016, có khoảng 150 triệu tấn nhựa thải trên các đại dương. Một báo cáo tháng 12/2014 ước tính hơn 250.000 tấn nhựa thải trên đại dương là trôi nổi.
Theo ông Oliver Cunningham, một trong những sáng lập viên RanMarine, WasteShark cũng có khả năng thu thập dữ liệu chất lượng nước và không khí, lọc hóa chất trong nước như dầu, asen và kim loại nặng thông qua các tấm lọc. Nó còn có thể quét bề mặt đáy biển để cung cấp thông tin về độ sâu.
Được lắp hệ thống tránh va chạm, thiết bị dọn rác này sử dụng công nghệ Lidar (một phương pháp khảo sát đo khoảng cách tới mục tiêu bằng cách chiếu sáng mục tiêu đó bằng một tia laze xung quanh và đo các xung phản xạ bằng một cảm biến). Nhờ đó nó có thể phát hiện một vật thể trên đường và ngừng lại hay lùi lại nếu vật thể tiến gần.
WasteShark đang hoạt động ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE), Nam Phi và Hà Lan. Giá của mẫu điều khiển từ xa là 17.000 USD, còn giá của mẫu tự động là gần 23.000 USD.
Nhà vận hành thiết bị ở Dubai là Ecocoast có hai cá mập dọn rác. Đồng sáng lập Ecocoast cho biết chúng chịu trách nhiệm dọn sạch khu vực cảng cho các khách hàng như cơ quan môi trường, chính quyền thành phố, khách sạn. Mục tiêu của Ecocoast là mang rác thu gom được đi tái chế hoặc tái chế nâng cấp.
Ecocoast cho rằng không phải vùng nước nào cũng có thể chỉ sử dụng một giải pháp để làm sạch. Có khi phải kết hợp cả công nghệ mới, biện pháp phòng ngừa và thay đổi hành vi xả rác của con người.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ấn tượng với WasteShark. Ông John Burt, phó giáo sư sinh học tại Đại học New York ở Abu Dhabi, cho rằng kích thước của thiết bị có thể là một vấn đề. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng tương đối nhỏ và sẽ có ảnh hưởng hạn chế”. Ngoài ra, thiết bị dễ bị va chạm với tàu thuyền.
Video "cá mập" dọn rác trên mặt nước (nguồn CNN):
Ông Burt cho biết UAE có vấn đề lớn với ô nhiễm nhựa trên quy mô lớn. Chính quyền nước này cần có hành động để hạn chế rác thải trên bờ biển.
Trong khi đó, RanMarine đang nghiên cứu một mẫu cá mập có thể hoạt động trên đại dương rộng lớn.
Sản phẩm WasteShark của RanMarine không phải là “cá” duy nhất trên biển. Công ty Fenbits ở thành phố Sharjah cũng của UAE đã phát triển một thiết bị không người lái dưới nước thu dọn rác có tên BluePhin.
BluePhin là robot sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo và có thể thu gom 350kg rác trong hai tiếng. BluePhin thân thiện với môi trường, không thải khí CO2. BluePhin có thể hoạt động theo “đàn” để tăng công suất gom rác thải. Pin hoạt động được 16 tiếng. Thiết bị này có giỏ rác thông minh và nắp đóng tự động khi rác đầy. BluePhin được ví như máy hút bụi trên nước.
Với những công nghệ như WasteShark và BluePhin, hi vọng các sông, hồ, biển, đại dương sẽ trở nên sạch hơn. Dẫu vậy, dù cá hàng đàn “cá mập” dọn rác thì vẫn là không đủ nếu con người tiếp tục xả rác như hiện nay.