Hồi năm 2022, Australia thành lập chương trình mang tên "Sứ mệnh vũ trụ quốc gia để quan sát Trái Đất" với vốn đầu tư 1,2 tỷ AUD (tương đương khoảng 770 triệu USD). Chương trình này được coi là trụ cột chính trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của Australia. Nhiệm vụ chính là thiết kế, xây dựng và vận hành 4 vệ tinh quan trắc Trái Đất để có thể phóng lên quỹ đạo trong giai đoạn từ năm 2028 đến 2033. Dữ liệu do vệ tinh thu thập sẽ giúp dự báo thời tiết và ứng phó với thảm họa thiên nhiên cũng như quản lý môi trường.
Tuy nhiên, Chính phủ Australia cho biết kế hoạch trên sẽ bị hủy bỏ, viện dẫn những lý do nhằm "khắc phục tình hình ngân sách". Động thái này khiến Australia sẽ phải tiếp tục phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài để có thể thu nhận được dữ liệu quan trắc Trái Đất. Phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia Australia ABC, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Australia Ed Husic cho biết việc đưa ra quyết định như trên là khó khăn khi vừa phải xem xét tình trạng lạm phát trong nước vừa vẫn ưu tiên các mục tiêu liên quan đến môi trường. Trong khi đó, Hiệp hội công nghiệp vũ trụ Australia cho rằng quyết định hủy bỏ chương trình vệ tinh sẽ hủy hoại các chương trình mục tiêu của nước này về biến đổi khí hậu, phòng thủ và công ăn việc làm liên quan.
Chính phủ Australia đã cam kết đạt cân bằng ngân sách chi tiêu trong năm 2023 này cho dù tăng trưởng chậm lại trong khi gia tăng chi tiêu quốc phòng.