Liên doanh trên do Voyager Space dẫn đầu và đặt trụ sở tại Đức, nơi có sẵn một số cơ sở của Tập đoàn Airbus Defence & Space. Chủ tịch của Voyager Space, Matthew Kuta cho biết liên doanh sẽ đáp ứng một cách đáng tin cậy nhu cầu thường xuyên của các cơ quan vũ trụ toàn cầu, đồng thời mở ra cơ hội mới cho người dùng với mục đích thương mại.
Để thay thế trạm ISS, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) lên kế hoạch mua dịch vụ thay vì tự thực hiện, giống như việc thuê các công ty ngoài đưa các phi hành gia vào vũ trụ hiện tại. Công ty Voyager Space đã thắng hợp đồng trị giá 160 triệu USD từ NASA vào cuối năm 2021 để phát triển Starlab.
Airbus đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Starlab từ tháng 1 vừa qua. Sự tham gia của Airbus vào Starlab giúp Voyager Space có thể cấp dịch vụ cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), bao gồm việc đưa đón các hành gia và vận chuyển các thiết bị vào vũ trụ.
Ông Michael Schoellhorn, Chủ tịch Airbus Defense & Space, cho biết việc công ty này tham gia vào liên doanh sẽ thu hút sự quan tâm của ESA và các nước châu Âu khác vào dự án trên. Ông Schoellhorn cho biết Liên minh châu Âu có thể dựa vào kinh nghiệm của Airbus để phát triển phương tiện vận tải tự hành (ATV) và các module hậu cần tham gia vào sứ mệnh Mặt Trăng Artemis của Mỹ.
Hiện tại, đại diện của Voyager Space và Airbus vẫn chưa tiết lộ về tỷ lệ sở hữu của mỗi bên trong liên doanh trên.
Giám đốc điều hành Voyager Space, Dylan Taylor, cho biết Starlab dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2028. Với đường kính 8 m, Starlab có tiết diện lớn gấp đôi ISS song có thể tích chỉ bằng một nửa do ISS có số module nhiều hơn.
Theo ông Taylor, Starlab trước tiên là nhằm phục vụ cho NASA và các cơ quan vũ trụ khác. Đồng thời, vị giám đốc điều hành này cũng cho biết trạm vũ trụ mới được dành riêng cho hoạt động nghiên cứu và làm việc trong môi trường vi trọng lực, điều có ý nghĩa quan trọng đối với ngành dược phẩm. Tuy nhiên, công ty chưa có ý định nhắm tới ngành du lịch vũ trụ.