Với các trang mạng xã hội ngày càng phổ biến rộng rãi như hiện nay thì tội phạm mạng càng có điều kiện để lấy cắp các thông tin cá nhân trên mạng Internet.
Thậm chí những người cho rằng họ đã cài đặt bảo mật cẩn thận vẫn có thể là đối tượng bị đánh cắp bí mật do họ chủ quan đối với các thông tin như địa chỉ, ngày tháng năm sinh, các mối quan hệ gia đình v.v... Từ những thông tin đó tin tặc có thể thâm nhập vào các tài khoản khác trên mạng nhất là các tài khoản ngân hàng.
Sau khi nghiên cứu kỹ các cách thức thâm nhập đánh cắp thông tin trên mạng xã hội Facebook, một tổ chức có uy tín ở Mỹ đã đưa ra 10 cách tốt nhất để bảo vệ bí mật cá nhân của bạn trên mạng như sau:
1. Không sử dụng các thông tin cá nhân quan trọng
Bạn không nên đưa các thông tin chi tiết như địa chỉ, số điện thoại, ngày tháng năm sinh hay thậm chí trường học của con bạn vì chúng có thể dễ dàng bị sử dụng để truy tìm các thông tin bí mật khác. Bạn phải giảm thiểu tối đa những thông tin trong mục “thông tin cá nhân”, phải chọn lọc kỹ với bất cứ ai mà bạn chưa quen và rất cảnh giác khi nhấn nút “like”.
2. Kiểm tra việc cài đặt bảo mật
Bạn phải thường xuyên kiểm tra việc cài đặt bảo mật để thông tin được an toàn hơn. Trang Facebook thỉnh thoảng lại tự thay đổi các cài đặt và thậm chí có thể làm thay đổi luôn cả của bạn. Vì vậy, bạn nên chuyển tất cả các cài đặt trên Facebook sang chế độ “Friend only”.
3. Bảo vệ mật khẩu thật chắc chắn
Thông thường mọi người hay dùng câu mật khẩu ngắn gọn hoặc có liên quan trực tiếp như ngày sinh, địa chỉ để dễ nhớ, nhưng chính điều đó lại làm cho tin tặc dễ “bẻ khóa” được mật khẩu của bạn.
4. Nên dùng nhiều mật khẩu khác nhau
Bạn không nên chỉ dùng một mật khẩu duy nhất vì nếu bị bọn tội phạm lấy được, chúng có thể dễ dàng thâm nhập vào tất cả các tài khoản trên mạng của bạn.
5. Cài đặt bảo mật trên điện thoại di động
Bạn phải chú ý giữ bí mật trên cả điện thoại di động của mình chẳng hạn như luôn tắt cài đặt định vị GPS để không bị kiểm soát việc đi lại của bạn và gia đình.
6. Hết sức cảnh giác với thư “rác”
Những thư “rác” trên mạng ngày càng tinh vi nên bạn tuyệt đối không được cung cấp những thông tin về tài khoản hay mật khẩu. Nếu có lăn tăn gì bạn liên lạc trực tiếp để hỏi chứ không nên trả lời qua email hoặc tốt nhất là xóa hết chúng.
7. Bảo đảm an toàn cho mạng Internet
Nếu bạn dùng wi-fi thì phải cài đặt mật khẩu cẩn thận để tin tặc không thể lợi dụng tiến hành các hoạt động xấu.
8. Kiểm tra nguồn gốc trang web
Trước khi nhập các thông tin vào bất cứ trang web nào để giao dịch, bạn cần kiểm tra địa chỉ trang web bằng cách thêm ký tự “s” (kiểm tra an ninh) vào sau đường dẫn “http”. Nếu không kiểm tra được thì bạn không nên sử dụng trang đó nữa.
9. Chú ý các thông báo về chi tiêu trong tài khoản
Nhiều người có kinh nghiệm thường kiểm tra chéo các khoản chi tiêu trong hóa đơn với các thông báo về giao dịch nhưng nó cũng không thực sự cần thiết. Bạn chỉ cần hết sức chú ý với những thông tin giao dịch mà bạn thấy đáng ngờ hoặc chưa từng thực hiện.
10. Giám sát những công việc hay tiến hành trên mạng
Bạn cần phải chú ý tới mọi điểm đáng nghi ngờ trong thư điện tử nhất là những vấn đề liên quan đến đề nghị tài chính hay thẻ tín dụng.
Dư Hưng