Yên Tử - nơi hội tụ khí thiêng của trời đất

Dù ngày mùng 10 tháng Giêng mới là ngày chính thức khai hội Yên Tử, nhưng từ trước đó nhiều ngày, lượng khách đổ về đây đã lên đến con số trên 20 nghìn lượt.

Theo thông lệ, lễ hội Yên Tử sẽ diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Dự kiến, lễ hội Yên Tử 2016 sẽ thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách.

Du khách thập phương về dự khai hội Yên Tử. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Trung tâm phật giáo của cả nước

Trong lịch sử, Yên Tử là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).

Ngay từ thời Lý, Yên Tử đã có chùa thờ Phật gọi là chùa Phù Vân và đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã tu hành đắc đạo ở đây. Nhưng Yên Tử thật sự trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là Thiền phái Trúc Lâm.

Ông trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Thiền phái Trúc Lâm đã hội tụ đầy đủ những tinh thần của Phật giáo, nhưng vẫn chứa đựng được những nét độc đáo của Việt Nam.

Vì vậy, Yên Tử cũng được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Từ Yên Tử giáo lý Trúc Lâm phát triển rộng ra khắp vùng Đông Bắc, trên 800 ngôi chùa lớn nhỏ được dựng lên, trong đó có những chùa nổi tiếng như: Quỳnh Lâm, Côn Sơn, Thanh Mai với 15.000 chúng tăng độ trì.

Sang đến thời Lê, thời Nguyễn, Yên Tử vẫn là trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là sự kết tinh, sự hội tụ của nền văn hoá dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, chùa, tháp. Nơi đây có hàng trăm am, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia phật và đặc biệt là hang đá Bảo Sái nơi Thiền tổ Trần Nhân Tông ngồi thiền và viên tịnh ngày 1/1/1308. Hệ thống chùa, am tháp ở Yên Tử tập trung trên sườn núi phía đông của ngọn núi.

Không kể Chùa Bí Thượng ở chân dốc Đỏ, chùa Cẩm Thực ở Uông Bí, chùa Lân ở thôn Nam Mẫu thì đường lên Yên Tử sẽ qua một hành trình như sau: Chùa Giải Oan-Hoa Yên-Cổng Trời, tiếp đó là chùa Phổ Đà, chùa Bảo Sái và toạ lạc ở điểm cao nhất của dãy Yên Tử là ngôi chùa Đồng.

Một số địa điểm và kiến trúc Phật giáo chính

Từ đỉnh Bạch Vân Sơn có độ cao 1.068 m, du khách tham quan vãn cảnh Yên Tử. Ảnh: Đình Trân – TTXVN.

Chùa Bí Thượng

Chùa Bí Thượng xưa được khởi dựng từ thời Hậu Lê, trên mặt nền kiến trúc hình chữ Nhất, từng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần trong lịch sử. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1993, chùa được dựng lại trên mặt nền kiến trúc hình chữ Đinh, quay hướng tây nam, hệ khung bằng bê tông, tường xây gạch, mái lợp ngói Tây.

Tiền đường gồm ba gian, hai chái nối với ba gian hậu cung. Hai dãy tả vu, hữu vu mỗi bên 9 gian, kiến trúc đơn giản, thờ Thập bát La Hán. Nhà tổ ở phía sau chùa chính, được dựng trên mặt nền hình chữ Nhất, gồm năm gian, mái lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi bít đốc, vì kèo nóc kiểu giá chiêng chồng rường con nhị.

Chùa Cầm Thực

Nằm về bên trái con đường vào Yên Tử. Chùa cũ được dựng từ thời Trần, bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm 6 gian, nay chỉ còn nền móng. Dựa trên những dấu tích còn lại, chùa (mới) đã được xây dựng lại vào năm 1993, gồm các hạng mục: chùa chính, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ.

Chùa chính có bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái, mái lợp ngói vẩy. Nhà Mẫu có bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm ba gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy.

Chùa Lân

Chùa Lân xưa được dựng từ thời Trần. Đây vốn là một ngôi chùa lớn, với những công trình đồ sộ nhưng đã bị hủy hoại theo thời gian, nay chỉ còn lại một vài dấu tích trên mặt đất.

Năm 2002, Chùa Lân (Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử) đã được xây dựng lại, gồm các hạng mục chính điện, nhà tổ, lầu trống, lầu chuông, tam quan, nhà trưng bày, nhà khách, nhà tăng, nhà ni... Chính điện được xây theo khối vuông, chồng diêm hai tầng tám mái, lợp ngói vẩy. Nhà tổ ở phía sau chính điện, cao hơn tòa chính điện.

Chùa Giải Oan

Chùa Giải Oan xưa được dựng vào thời Trần. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1994, nhân dân công đức xây dựng lại chùa, gồm các hạng mục: chùa chính, nhà Mẫu, nhà tổ, nhà tu lễ, nhà bếp và một số công trình khác.

Chùa chính được dựng trên mặt nền kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái tiền đường và một gian hậu cung. Nhà Mẫu nằm bên phải chùa chính, dựng trên mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái bái đường và một gian hậu cung. Nhà tổ nằm bên trái chùa chính, dựng trên mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm ba gian, mái lợp ngói vẩy, đầu kìm nóc đắp nổi hình rồng.

Chùa Hoa Yên

Chùa Hoa Yên được dựng từ thời Lý và được tôn tạo nhiều lần trong lịch sử. Chùa tọa lạc trên lưng chừng núi, quay hướng tây nam, gồm có các hạng mục: chùa chính, nhà tổ, tả vu, hữu vu, nhà khách, nhà ni, nhà bếp và một số công trình phụ trợ khác.

Chùa chính có mặt nền kiến trúc kiểu chữ Công, vì kèo kết cấu, theo thức thượng giá chiêng chồng rường, hạ bẩy. Nhà tổ có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm ba gian, hai chái, mái lợp ngói mũi hài kép. Hai dãy tả vu, hữu vu kiến trúc giống nhau, dạng hai tầng tám mái. Nhà khách gồm một gian, hai chái, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài.

Chùa Bảo Sái

Chùa Bảo Sái nằm trên sườn núi, quay hướng tây nam. Chùa chính có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái bái đường và một gian hậu cung. Nhà tổ có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Nhất, gồm ba gian, thấp hơn so với chùa chính khoảng 1m, mái lợp ngói vẩy.

Chùa Đồng

Chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử, được đúc từ chất liệu đồng. Mặt bằng kiến trúc của chùa dạng chữ Nhất, kết cấu vững chắc, được đặt trên sập đồng, dạng chân quỳ, dạ cá. Dáng chùa như một bông hoa sen nở, ngự trên sập đồng. Chùa quay hướng tây nam, diện tích khoảng 20m2, chiều cao từ mặt nền đến mái là 3,35m.

Chùa được làm thành khối vuông bốn mái, lợp ngói mũi hài, bờ nóc và bờ giải không trang trí, hai đầu bờ nóc cùng bốn đầu đao là hình đầu rồng.

Những giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt của khu di tích đã đưa Yên Tử trở thành một chốn thiêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết đinh số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012).

Thông tin tư liệu (TTXVN)
Biển người chen chúc trong ngày khánh thành chùa Ngọa Vân
Biển người chen chúc trong ngày khánh thành chùa Ngọa Vân

Ngày 16/1 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Bính Thân), tại Quảng Ninh tổ chức khai hội và khánh thành chùa Ngọa Vân với tên gọi Xuân Ngọa Vân năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN