'Vua lừa đảo' Steven Jay Russell và 4 lần vượt ngục - Kỳ cuối

Sau khi tiêm 40 liều insulin và bị sốc, dù lý do là gì thì “vua lừa đảo” Steven Jay Russell vẫn sống. 

Kỳ cuối: Vượt ngục dễ như trở bàn tay

Thẩm phán quá ấn tượng với những hành vi nhạo báng hệ thống tư pháp trước đó của Russell nên đã đặt mức bảo lãnh cho hắn là 900.000 USD (1,5 triệu USD ngày nay). Russell coi số tiền bảo lãnh này là bất công.

Do đó, ông ta đã tìm cách giảm bằng cách gọi điện cho thư ký quận từ nhà tù, giả giọng thẩm phán ngay tại chỗ. Vài vai thẩm phán, Russell đã bảo viên thư ký giảm tiền bảo lãnh của mình xuống còn 45.000 USD. Ngày hôm sau, ông ta trả tiền bảo lãnh và về nhà.

Chú thích ảnh
Diễn viên Jim Carrey (trái) vào vai Russell trong bộ phim "I Love You Phillip Morris". Ảnh: The Guardian

Mấy ngày sau, giới chức bắt đầu nhận ra sai sót, một phần vì số tiền mà Russell dùng để nộp bảo lãnh không tới nơi và đã bắt ông ta lần nữa. Giới chức bắt lại Russell dễ dàng vì ông ta chỉ về chỗ bạn trai. Ông ta nói: “Tôi làm vậy vì tôi muốn ở cùng Phillip. Tôi mất kiểm soát”.

Lần này, Russell nhận bản án tù 45 năm. Không vui vẻ với bản án và nhớ bạn trai, Russell đã tìm cách vượt ngục lần nữa. Ông ta thu thập vài chục chiếc bút đánh dấu màu xanh lá cây trong nhà tù và đổ mực vào bồn. Sau khi có đủ dung dịch nhuộm màu, ông ta cho bộ đồng phục tù nhân vào để nhuộm xanh. Màu này tình cờ giống màu áo mà các bác sĩ tới nhà tù hay mặc.

Vài ngày sau, Russell mặc bộ quần áo nhuộm màu nói trên và một lần nữa bước ra khỏi nhà tù như không có gì xảy ra. Lần này, ông ta chờ tới khi người đóng mở cửa nghe điện thoại rồi mới tiến tới cửa để không bị hỏi han gì.

Chìa khóa để Russell bước ra khỏi cánh cửa nhà tù như không chính là hành động một cách tự nhiên. Ông ta đi bộ tới cánh rừng ngay bên ngoài nhà tù và nhanh chóng đi càng xa càng tốt. Nhờ bộ quần áo đang mặc, Russell có thể thuyết phục một người dân rằng ông ta là bác sĩ cần đi nhờ vào thị trấn sau khi ô tô gặp sự cố.

Tại thời điểm giới chức nhà tù cho trực thăng và đội tìm kiếm đi truy lùng Russell, ông ta đang uống rượu trong quán bar ở Houston.

Một lần nữa, Russell lại để cho giới chức lần dấu dễ dàng khi trở về với bạn trai Morris – người đang bị các điều tra viên theo dõi sát sao để tìm Russell. Cặp đôi đã trốn tới Mississippi và cuối cùng bị phát hiện ở đây.

Do quá xấu hổ vì để Russell trốn tù nhiều lần và bị báo chí chỉ trích, giới chức nhà tù trừng phạt Russell càng nghiêm càng tốt. Ông ta đã chấp nhận bản án và thông báo với giới chức nhà tù rằng mình đã dương tính với HIV, có thể không sống được lâu.

Trong 10 tháng tiếp theo, Russell đã trở thành cái bóng của chính mình, chỉ còn da bọc xương, có mọi dấu hiệu của bệnh nhân giai đoạn cuối sắp chết vì HIV.

Khi cái chết cận kề, Russell được đưa tới trại dưỡng lão trong nhà tù. Khi ở đây, các quan chức nhà tù nhận được một cuộc gọi từ bác sĩ, nói rằng Russell đã được chọn để thử nghiệm thuốc và cần đi điều trị ngay lập tức. Russell đã được tha bổng vì lý do y tế và tự do bước ra khỏi nhà tù. Vài tuần sau, nhà tù nhận được tin từ bác sĩ đó, nói Russell đã chết.

Tất nhiên, Russell không nhiễm HIV. Khi quan sát người tình cũ trong giai đoạn sắp chết vì AIDS, Russell biết triệu chứng bệnh và làm mọi thứ để có thể bắt chước. Điều khó khăn nhất với ông ta là không được ăn quá nhiều trong nhiều tháng và phải uống thuốc xổ mỗi khi ăn nhiều để tống mọi thứ trong bụng ra.

Trong quá trình đó, không bác sĩ nào trong nhà tù xét nghiệm HIV cho Russell. Họ không cần xét nghiệm vì đã có mọi hồ sơ cần thiết cho thấy Russell mắc bệnh. Những hồ sơ này tất nhiên do chính Russell gõ trên máy đánh chữ ở nhà tù và tìm cách tuồn hồ sơ y tế vào hộp thư nội bộ nhà tù.

Không may cho Russell, khi ông ta tìm cách vay 75.000 USD từ ngân hàng NationsBank ở Dallas (đóng giả làm một người giàu có), ngân hàng này đã nghi ngờ và quyết định nhờ giới chức xem xét. Không lâu sau, người ta phát hiện ra người định vay tiền chính là Russell được cho là đã chết. Ngay khi bị phát giác, Russell đã bị bắt luôn.

Russell ban đầu tìm cách lừa mấy viên cảnh sát tới bắt mình rằng mình không phải là người họ tìm và dường như thuyết phục được họ. Tuy nhiên, cảnh sát rõ ràng là đã được Sở Tư pháp Hình sự Texas cảnh báo trước là không nghe bất kỳ điều gì Russell nói dù có đáng tin đến đâu. Ông Glen Castlebury thuộc Sở Tư pháp Hình sự Texas nói: “Chúng tôi bảo họ là nếu ông ta bước ra khỏi căn hộ và nói mình là Bill Clinton, đừng tin ông ta cho dù các anh muốn tin”.

Chú thích ảnh
Russell đã khiến giới chức nhà tù Mỹ bẽ mặt. Ảnh: HuffPost

Háo hức được trừng phạt Russell vì đã gây ô nhục cho giới chức nhà tù cũng như khiến họ mất bao công của để tìm trong suốt nhiều năm, thẩm phán cuối cùng đã kết án Russell 144 năm tù, trong đó 45 năm vì các vụ lừa đảo và 99 năm vì các lần trốn tù.

Dù Russell đã bị giam 22 tới 23 tiếng mỗi ngày trong nhiều năm trời, giới chức nhà tù vẫn cho rằng ông ta đang nung nấu vượt ngục lần nữa. Bảo vệ nhà tù cũng nói với nhau rằng không được tin một lời Russell nói. 

Về phần mình, Russell bảo mình không có ý định trốn tù lần nữa. Ông ta nói tất cả những lần vượt ngục trước đó đều là vì tình yêu, vì bạn trai. Không may cho Russell, Morris không còn xuất hiện nữa. Anh ta không bao giờ tới thăm Russell từ khi người tình nhận án chung thân. Dù vậy, Russell cũng không oán hận Morris. Ông ta nói: “Tôi nhớ cậu ấy. Nhưng tôi cũng thực tế. Tôi không muốn làm điều gì để khiến cậu ấy tổn thương”.

Ngoài ra, Russell cũng nói rằng tình yêu dành cho con gái cũng thôi thúc ông ta trốn tù. Ông ta nói: “Con gái tôi, Stephanie, đi từ Bờ Đông vài lần mỗi năm để có thể dành thời gian với bố. Con bé khiến tôi thay đổi hành vi. Nhờ con bé mà tôi đã ngừng tìm cách trốn tù. Con gái có quyền lực rất lớn với bố. Con bé giúp tôi thấy hành vi của tôi không chỉ làm tôi tổn thương mà còn làm con bé tổn thương”. 

Trong thời gian qua, Russell tỏ ra là một tù nhân gương mẫu. Ông ta nói và làm những việc đúng đắn để thuyết phục ủy ban ân xá cho ông ta tự do khi phù hợp. Khả năng đầu tiên Russell được tạm tha có thể xảy ra vào tháng 12/2020.

Thùy Dương/Báo Tin tức
'Vua lừa đảo' Steven Jay Russell và 4 lần vượt ngục - Kỳ 1
'Vua lừa đảo' Steven Jay Russell và 4 lần vượt ngục - Kỳ 1

Với biệt tài lừa đảo, giả giọng xuất sắc, Steven Jay Russell - người có biệt danh “vua lừa đảo” ở Mỹ - đã táo tợn vượt ngục tới 4 lần trong 5 năm một cách dễ dàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN