Theo trang todayifoundout, năm 1961, bom phá nguyên tử đặc biệt (SADM) được thiết kế càng nhỏ càng tốt để tạo ra một loại vũ khí hạt nhân có thể sử dụng trong thực tiễn. Thiết bị này chỉ dài 35cm, đường kính 30cm, nặng hơn 23kg. Giữa thiết bị là đầu đạn hạt nhân W54 giống loại được dùng trong khẩu súng không giật hạt nhân M388 Davy Crockett. Đây là thiết bị mà người sử dụng có thể tùy chỉnh năng lượng nổ tùy ý, từ 10 đến 1.000 tấn TNT, bằng cách điều chỉnh lượng khí Triti được bơm vào lõi.
Quá trình phát triển đầu đạn W54 rất tốn thời gian và khó khăn. Đã có 15 mẫu được phóng thử tại bãi phóng Nevada trong khuôn khổ Chiến dịch Hardtack II năm 1958 và Chiến dịch Little Feller năm 1962. Đây là số vụ phóng thử nhiều nhất mà Mỹ thực hiện trước khi đưa vào sử dụng một loại vũ khí hạt nhân. Điều này cho thấy những khó khăn trong thiết kế một đầu đạn đáng tin cậy có kích thước nhỏ như vậy.
SADM là một trong những vũ khí hạt nhân chiến thuật loại nhỏ duy nhất được phát triển để đối phó với Liên Xô. Mục đích phát triển SADM cũng giống như mục đích phát triển khẩu Davy Crockett và mìn hạt nhân British Blue Peacock (Chim công xanh Anh).
Tuy nhiên, khác với những vũ khí đó, SADM có thể được xách tay tới tận mục tiêu. Trong suốt những năm 1950, 1960 và 1970, Lục quân, Thủy quân lục chiến và đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ đã thành lập các nhóm “Đèn xanh” đặc biệt gồm hai người, được huấn luyện chuyên về xử lý bom phá nguyên tử đặc biệt. Trong trường hợp có chiến tranh trên mặt đất ở châu Âu, nhiệm vụ của họ là xâm nhập Đông Âu và phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu, đường, đập, sân bay và boongke liên lạc để ngăn chặn, hoặc làm chậm bước tiến của kẻ thù.
Quá trình xâm nhập này có thể diễn ra theo nhiều cách. Tùy vào mục tiêu, các nhóm có thể xâm nhập bằng dù hoặc bơi vào bờ từ các tàu ngầm hoặc tàu tốc độ cao. Một nhóm thậm chí còn được huấn luyện để trượt tuyết từ trên dãy Alps ở Áo xuống để vào Tiệp Khắc (trước đây).
Để bảo vệ đầu đạn khỏi bị hư hỏng, vũ khí SADM được đựng trong hộp có lớp bảo vệ chắc chắn, có thể cột vào lưng hoặc treo vào quần áo của người nhảy dù. Để được sử dụng cho cuộc xâm nhập từ biển vào hoặc sử dụng dưới lòng đất, vũ khí này được đựng trong hộp đặc biệt tránh va đập, có thể chịu áp suất ở độ sâu 60m dưới nước và 30 mét dưới đất.
Sau khi đổ bộ, nhóm sử dụng SADM sẽ gỡ đầu đạn ra khỏi hộp đựng, đặt trong balo đặc biệt, chôn hộp đựng xuống rồi kích đầu đạn hướng vào mục tiêu. Do kích thước nhỏ nên không có chỗ cho thiết bị an toàn tinh vi, chỉ có một tấm thép đơn giản lắp vừa với khóa nòng kết hợp.
Lúc bấy giờ, quân đội Mỹ thực hiện quy tắc hai người, tức là không ai có thể một mình sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỗi thành viên nhóm chỉ được trao một nửa khóa nòng. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra tình huống nguy hiểm nếu một trong hai thành viên thiệt mạng trước đó và quả bom khi đó trở nên vô dụng.
Do đó, theo Đại úy Lục quân Tom Davis, người đã huấn luyện sử dụng SADM đầu những năm 1970, phần lớn các nhóm nhất trí chia sẻ với nhau toàn bộ khóa trong trường hợp có chiến tranh thực sự xảy ra. Trong trường hợp phải hủy sứ mệnh, các nhóm mang theo một lượng thuốc nổ bình thường và cho nổ tung đầu đạn nhằm ngăn thiết kế tinh vi rơi vào tay kẻ thù.
Nếu nhóm hành động tới được mục tiêu, quy trình kích nổ cực kỳ đơn giản. Sau khi mở khóa và bỏ lớp bọc ra, họ sẽ lấy kíp nổ ra và đặt vào vị trí kích nổ. Sau đó, họ hẹn giờ, có thể lên tới 12 giờ hoặc 24 giờ, bật công tắc kích nổ và rồi lùi về nơi an toàn.
Mặc dù chính phủ Mỹ phủ nhận các chiến dịch SADM là sứ mệnh liều chết, nhưng có một loạt nhân tố cho thấy hầu như không có khả năng các nhóm “Đèn xanh” có thể trở về mà còn sống. So với các vũ khí hạt nhân bình thường thì SADM có kích thước cực kỳ nhỏ, nhưng cũng rất cồng kềnh với cá nhân. Ngoài đầu đạn, còn có hộp đựng và khung nặng 40kg. Do đó, các nhóm sử dụng SADM sẽ rất khó di chuyển bí mật và tăng nguy cơ bị thương. Ngoài ra, còn có một thực tế đáng lo là nhóm vận hành SADM không thể nào biết khi nào quả bom phát nổ.
Để bảo vệ đầu đạn khỏi xung điện từ từ các vụ kích nổ hạt nhân gần đó, Phòng thí nghiệm Sandia đã lắp máy hẹn giờ cơ học cho SADM. Khi thử nghiệm, máy hẹn giờ này không chính xác tới mức thường xuyên kích nổ quả bom sớm hoặc muộn hơn so với giờ hẹn tới 13 phút. Đây là điều khiến người kích nổ gặp rủi ro nếu chẳng may chưa kịp di chuyển tới nơi có khoảng cách an toàn tối thiểu.
Thách thức lớn nhất với sinh mạng của nhóm vận hành SADM là họ hành động trên chiến tuyến của kẻ thù, bị cắt đứt hoàn toàn khỏi các phương tiện hỗ trợ trong bối cảnh mở đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân. Mặc dù được chính phủ đảm bảo về an toàn nhưng ông Mark Bentley, người từng vận hành SADM, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn năm 2019: “Chúng tôi đều biết đó là sứ mệnh một đi không trở lại, sứ mệnh liều chết”.
Mặc dù có trên 400 đầu đạn W54 được sản xuất và lưu trữ tại các căn cứ ở châu Âu, như Miesau ở Đức, nhưng chưa có đầu đạn nào từng được sử dụng trong chiến trận. Cuối những năm 1970, ý tưởng về đầu đạn hạt nhân bé nhưng hiệu quả trở nên lạc hậu. Cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức Hiệp ước Warsaw đều nhận ra rằng bất kỳ cuộc xung đột bình thường nào cũng có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân toàn cầu toàn diện. Dù vậy, các nhóm SADM vẫn duy trì trạng thái cảnh giác và sẵn sàng hành động cho tới tận năm 1989. Năm đó, đầu đạn W54 bị coi là không còn dùng được nữa. Các đầu đạn tích trữ bị thu hồi và bỏ đi.
Mãi tới năm 1984, tức 20 năm sau khi SADM ra đời, người ta mới công khai sự tồn tại của vũ khí này. Tức là có thể vũ khí này vẫn được lưu trong kho dù kho hạt nhân của Mỹ hiện nay không liệt kê vũ khí hạt nhân mini này.
Năm 1992, một cựu nhân viên tình báo đào tẩu Liên Xô tên là Stanislav Lunev nói rằng Liên Xô cũng phát triển thiết bị hạt nhân xách tay riêng tên là RA-115 và một số thiết bị còn từng được đưa qua biên giới Mexico và giấu ở vài nơi tại Mỹ. Lunev cho rằng các thiết bị này được dùng để ám sát quan chức hàng đầu của Mỹ nếu có chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, những thông tin này bị phản đối mạnh mẽ và dù tìm kiếm đủ mọi ngóc ngách những nơi mà Lunev chỉ, người ta cũng không thể tìm thấy thiết bị nào như ông ta mô tả.