Vụ cướp ngân hàng thế kỷ - Kỳ cuối: Kết cục của băng cướp

Sau lời khai của O’Keefe, sáu thành viên băng cướp gồm Baker, Costa, Geagan, Maffie, McGinnis và Pino bị đặc vụ FBI bắt giữ ngày 12/1/1956. O’Keefe và Gusciora thì đang ngồi tù vì các cáo buộc khác. Banfield đã chết, còn Faherty và Richardson đã chạy trốn và bị FBI đưa vào danh sách truy nã gắt gao. Cuối cùng thì hai tên này cũng bị tóm khi đang chui lủi ở Dorchester, bang Massachusetts.

Các túi tiền trong vụ cướp Brink.


Ngày 13/1/1956, ban hội thẩm hạt Suffolk đã đưa ra cáo trạng đối với 11 thành viên băng cướp ngân hàng Brink. O’Keefe là nhân chứng chính xuất hiện trước tòa.


Tuy đã tóm gọn toàn bộ băng cướp nhưng số tiền 2.775.000 USD vẫn biệt tăm. O’Keefe tất nhiên không biết đồng bọn cũ giấu phần chia chác của chúng ở đâu, còn những tên bị bắt quyết “ngậm tăm”. Mãi đầu tháng 6/1956, manh mối về số tiền này mới xuất hiện.


Một cảnh sát ở Baltimore, bang Maryland, được một người đổi tiền cho biết anh ta nghi có người đã đưa cho anh ta một tờ 10 USD giả. Kiểm tra tờ tiền này, viên cảnh sát thấy nó mốc meo. Lần theo dấu vết người đưa tờ tiền, viên cảnh sát và người đổi tiền phát hiện ra đó là một tên tội phạm vặt ở Boston. Khi viên cảnh sát đang thẩm vấn tên này thì hai cảnh sát khác đi qua, phát hiện thấy hắn có hành động khả nghi lúc bị thẩm vấn. Họ ngay lập tức tóm chặt tay hắn và một cuộn tiền lớn rơi ra từ đó. Khám xét nơi ở của hắn, cảnh sát phát hiện ra hơn 1.000 USD, trong đó các tờ tiền trị giá 860 USD đều bị mốc và rách. Số tiền đó không phải là tiền giả như nghi ngờ ban đầu. Hắn khai tìm thấy cuộn tiền trong một cái túi nhựa ở phòng khách sạn hắn ở.

Một bọc tiền mục nát lấy từ thùng làm lạnh.


Theo lời khai, văn phòng FBI ở Baltimore lục soát phòng khách sạn của hắn, tìm ra 3.780 USD. Số seri của một lượng tiền trong số đó trùng với số seri tiền bị cướp từ ngân hàng Brink. Tên lưu manh khai rằng hắn được một kẻ biệt danh là John béo trả cho 5.000 USD để chuyển số tiền 30.000 USD.


Theo lời khai, cảnh sát đã kiểm tra nơi làm việc của John béo và phát hiện ra một thùng làm lạnh có lượng tiền trị giá 51.906 USD - chính là tiền của ngân hàng Brink. Sau khi bị bắt, John béo cũng quyết không khai một lời về nguồn gốc số tiền. Ngày 5 và 7/6, ban hội thẩm hạt Suffolk đã ra phát quyết kết tội John béo vì sở hữu tiền bị cướp từ ngân hàng Brink.


Số tiền tìm thấy trong thùng làm lạnh được bọc trong ni lông và giấy báo. Số tiền này đều ở trong tình trạng mục nát nên việc đếm chính xác là không thể do nhiều tờ bị nát thành nhiều mảnh. Một số tờ thì rơi lả tả khi cầm lên. Kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm của FBI cho thấy tiền bị mục nát, mất màu và bết chặt vào nhau là do chúng bị ướt. Toàn bộ các bọc tiền đã bị hỏng trước khi được gói trong giấy báo. Có dấu hiệu chứng tỏ tiền trước đó được gói trong vải bạt và chôn xuống nơi có cát và tro. Xác côn trùng cũng lẫn trong đám tiền mục nát.

Luật sư thông báo với phóng viên về việc bắt 6 tên cướp Vụ cướp ngân hàng thế kỷ.


Ngay cả khi tìm lại được số tiền này ở Baltimore và Boston thì hơn 1.150.000 USD còn lại vẫn không có dấu vết. Việc cảnh sát tìm thấy số tiền trong thùng lạnh là một đòn giáng mạnh đối với những tên cướp đang chờ xét xử ở Boston. Chúng lo sợ để lại dấu vết buộc tội trong số tiền đó.


Tháng 7/1956, một biến cố lớn khác xảy ra. Gusciora, kẻ đang được chăm sóc y tế trong tù vì hay ốm yếu, chóng mặt và nôn mửa đã đột ngột chết. Vào chiều ngày 9/7, khi một tu sĩ vào thăm Gusciora, hắn đã bị ngã đập đầu xuống đất khi đứng dậy khỏi giường. Hai giờ sau, hắn chết với kết quả khám nghiệm là do u não và phù nào cấp.


O’Keefe ban đầu ngần ngại làm chứng chống lại băng cướp do hắn không muốn hại Gusciora, vì hai tên này vốn là bạn thân thiết nhiều năm. Khi Gusciora đã chết, O’Keefe cảm thấy mình không còn lý do gì để trì hoãn tố cáo đồng bọn cũ.


Đúng 10 giờ 15 ngày 5/10/1956, ban hội thẩm nghỉ để cân nhắc chứng cứ do O’Keefe đưa ra trước tòa. Ba tiếng rưỡi sau, họ đã có lời tuyên án cho từng tên. Tất cả đều có tội và đều nhận án tù chung thân. Biên bản phiên xét xử dài tới hơn 5.300 trang.


Trong khi chờ luật sư làm thủ tục kháng án, toán cướp bị chuyển đến nhà tù Walpole ở bang Massachusetts. Sau khi cân nhắc các yếu tố do luật sư bào chữa trình bày, Tòa án tối cao bang Massachusetts đã bác đơn kháng án ngày 1/1/1959. Tòa sau đó cũng bác đề nghị xử lại vụ án.


Thùy Dương

Vụ cướp ngân hàng thế kỷ - Kỳ cuối: Kết cục của băng cướp
Vụ cướp ngân hàng thế kỷ - Kỳ cuối: Kết cục của băng cướp

Sau lời khai của O’Keefe, sáu thành viên băng cướp gồm Baker, Costa, Geagan, Maffie, McGinnis và Pino bị đặc vụ FBI bắt giữ ngày 12/1/1956.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN