Vụ cướp ngân hàng thế kỷ - Kỳ 4: Nỗi oán giận của O’Keefe

O’Keefe.

O’Keefe mãn hạn tù ở McKean vào tháng 1/1954, chỉ để đối mặt với một án tù khác ở Massachusetts liên quan đến việc sử dụng vũ khí khi đang hưởng án treo. Trước khi bị đưa ra tòa xét xử vụ này, O’Keefe được bảo lãnh với 17.000 USD. Nhân cơ hội tự do hiếm có này, hắn quay về Boston.


Nhất cử nhất động của O’Keefe ở Boston đều không qua được mắt của FBI. Đúng như dự đoán, hắn đã liên lạc với các thành viên khác trong băng cướp vì cần tiền án phí. Thái độ bất mãn với đồng bọn trong lòng O’Keefe ngày càng tăng. Người ta đồn rằng “Jazz” Maffie và Henry Baker chính là hai kẻ bị coi là cái gai trong mắt O’Keefe vì bọn chúng đã xén mất của hắn một khoản tiền lớn trong khi chia chác chiến lợi phẩm vụ cướp. Ngay sau khi Maffie bị kết án chín tháng vì tội trốn thuế thu nhập, Baker cảm thấy sợ bị O’Keefe nhòm ngó và đã cùng vợ rời Boston “đi nghỉ”.


Các thành viên khác trong băng cướp lần lượt được O’Keefe “viếng thăm” để đòi bằng được phần chia chác. Hắn cùng một tên lưu manh khác đã bắt giữ Vincent Costa để đòi tiền chuộc. Costa được thả ngày 20/5/1954 sau khi các thành viên khác trong băng cướp chấp nhận trả một phần tiền cho O’Keefe. Khi bị FBI thẩm vấn về vụ bắt cóc, không ai trong số bọn chúng, từ Costa, Pino cho đến O’Keefe và tòng phạm thừa nhận vụ việc. Dù vậy, nhiều thành viên băng cướp bắt đầu “khớp” với diễn biến cuộc điều tra của FBI.


Hai tuần trôi qua khá bình yên cho đến ngày 5/6/1954, O’Keefe bị ám sát hụt. Đó không phải là vụ ám sát hụt duy nhất. Tính mạng O’Keefe bị treo trên sợi dây mỏng manh khi hắn trải qua hai vụ ám sát nữa ngày 14 và 16/6. Có kẻ nào đó đang quyết lấy mạng của O’Keefe. Hắn bị thương ở cổ tay và ngực nhưng vẫn giữ được mạng. Chỉ ngay sau vụ ám sát hụt thứ ba, sát thủ đã bị cảnh sát Boston bắt giữ. Tên này khai rằng được đồng bọn của O’Keefe thuê để khử hắn.

Bài báo viết về việc O’Keefe khai báo.


Sau khi bị ám sát hụt, O’Keefe biến mất. Mãi đến ngày 1/8/1954, hắn mới lộ diện khi bị bắt ở Leicester. Hắn bị kết án 27 năm tù vì tội vi phạm chế độ án treo nói trên. Để đề phòng hắn bị ám sát, cảnh sát đã giam hắn ở một nhà tù an ninh cao. Đề phòng của cảnh sát là có lý vì tên lưu manh giúp O’Keefe bắt cóc Costa đã biến mất bí ẩn và người ta đồn rằng hắn bị khử vì đã cộng tác với O’Keefe.


Năm 1954 kết thúc. Cảnh sát vẫn không thể tìm được một tờ tiền nào bị cướp khỏi ngân hàng Brink, mặc dù chắc chắn băng cướp đã tiêu một số tiền lớn để lo án phí cho bọn chúng trong các vụ án lẻ tẻ khác. Khi cảm thấy sự bất mãn của O’Keefe với đồng bọn đã lên đến đỉnh điểm, FBI tận dụng thời cơ khai thác hắn. O’Keefe biết chắc Pino sẽ đối đãi với hắn ra sao một khi hắn hết hạn tù. Trong khi đó, dù liên tục viết thư đòi tiền chia chác, từ năn nỉ cho đến đe dọa, O’Keefe không thể moi được một xu từ đồng bọn cũ.

Chân dung 8 thành viên băng cướp trên báo.


Trong chuyến thăm O’Keefe trong tù sau Giáng sinh năm 1955, FBI đã khiến hắn dần thay đổi thái độ thù địch. Chính xác lúc 16 giờ 20 ngày 6/1/1956, O’Keefe đã đưa ra quyết định cuối cùng là khai báo tất cả. Đặc vụ FBI làm việc thâu đêm để kiểm tra mọi chi tiết trong lời khai của O’Keefe. Nhiều chi tiết họ đã nắm được trong cuộc điều tra kéo dài sáu năm qua. Lời khai của hắn giúp họ lấp đầy những khoảng trống điều tra.


Theo O’Keefe, vụ cướp Brink cơ bản là “đứa con trí tuệ” của Pino nhưng nó là sản phẩm của cả băng nhóm vốn đã quen biết nhau từ lâu và nhiều kinh nghiệm trong giới tội phạm. Trước khi thực hiện vụ cướp thế kỷ, các thành viên băng cướp đều thuộc nằm lòng đường đi lối lại của ngân hàng Brink sau nhiều lần đột nhập vào đây lúc ngân hàng này đóng cửa.


Bọn chúng đã phân công nhau việc cụ thể: Người thì lo lấy mẫu chìa khóa để làm chìa, kẻ thì nghiên cứu lịch làm việc và lịch chuyển tiền của ngân hàng, tên thì tìm hiểu hệ thống báo động. Bọn chúng chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức chỉ cần quan sát ánh đèn trong tòa nhà, chúng cũng có thể xác định được nhân viên ngân hàng Brink đang làm gì trong đó. Hơn nữa, chúng còn nắm rõ số nhân viên trực vào các giờ trong ngày.


Băng cướp tập dượt cách tiếp cận và tẩu thoát đến mức hoàn hảo. Trước vụ cướp hai tháng, bọn chúng đã tiếp cận Brink sáu lần nhưng không lần nào tiến hành được vì điều kiện chưa chín muồi và chỉ thành công vào ngày 17/1/1950.


Sau khi chuồn êm khỏi tòa nhà ngân hàng với các bao tải tiền, băng cướp chất ngay chiến lợi phẩm lên xe tải đỗ ngoài phố Prince gần cửa ra vào. Bọn chúng lái xe đến nhà bố mẹ của Maffie ở Roxbury, dỡ các bao tiền ra trong khi một tên lái xe tải mang đi giấu. Ngay sau đó, bọn chúng tản ra nhiều nơi để tạo bằng chứng ngoại phạm.


Vài tuần sau, O’Keefe nhận được phần chia trong một chiếc vali do đồng bọn chuyển tới. Tuy nhiên, đếm xong thì hắn phát hiện bị xén mất 2.000 USD. Do không có chỗ để cất số tiền lớn như vậy, hắn đã tin tưởng giao tiền cho Maffie và chỉ giữ lại 5.000 USD. Đó cũng là lần cuối cùng hắn nhìn thấy phần chia chác của mình vì sau đó Maffie nói rằng một phần tiền bị mất, phần còn lại đã trả hết án phí cho O’Keefe.


Chia chác chỉ là một trong nhiều vấn đề khiến O’Keefe bất mãn với đồng bọn. Hắn còn nổi giận khi biết rằng mảnh vụn chiếc xe Ford dùng trong vụ cướp đã bị vứt ở bãi rác gần nhà hắn.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ cuối: Kết cục của băng cướp

Vụ cướp ngân hàng thế kỷ - Kỳ 3
Vụ cướp ngân hàng thế kỷ - Kỳ 3

Dù hàng ngàn manh mối và thông tin đều dẫn đến ngõ cụt nhưng nhờ đó, FBI cũng dần dần siết chặt vòng vây quanh những nghi can chủ chốt.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN