Szabo nhận Huy chương George sau khi mất nhờ những công việc ấn tượng ở nước Pháp bị chiếm đóng. Trong sứ mệnh thứ hai, Szabo bị quân Đức bắt, thẩm vấn, tra tấn và đưa tới trại tập trung Ravensbruck khét tiếng.
Biến cố cuộc đời
Violette sinh ra ở Paris ngày 26/6/1921. Cha cô là người Anh, làm lái xe taxi và buôn bán ô tô, còn mẹ cô là người Pháp, làm nghề thợ may. Năm 1932, cha mẹ cô dọn tới Stockwell ở phía Nam London sinh sống. Tại đây, cha cô lập một doanh nghiệp bán ô tô. Trước đó, Violette phải ở lại Picardy với dì vì lý do kinh tế và khi 11 tuổi, cô mới đoàn tụ với cha mẹ.
Là một cô gái rất năng động và nghịch như con trai, Violette nổi tiếng là người bắn súng giỏi. Cô rời trường khi 14 tuổi và làm việc trong một cửa hàng làm áo lót ở Kensington, sau đó làm trong cửa hàng bách hóa Le Bon Marche ở Brixton sau giờ học. Không lâu sau khi cô bắt đầu làm việc tại cửa hàng bách hóa này thì Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra.
Lúc đầu, Violette gia nhập lực lượng phụ nữ phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Công việc khá buồn tẻ. Violette cũng hái dâu tây và làm việc trong nhà máy để phục vụ cuộc chiến.
Vào Ngày Quốc khánh Pháp năm 1940, mẹ cô cho cô tham gia đội diễu hành. Tại đây, cô đã gặp Étienne Szabo, một sĩ quan Hungary gốc Pháp 30 tuổi tới từ Marseille và thuộc đội quân Lê dương của Pháp. Sau 42 ngày hẹn hò, họ kết hôn tại Aldershot ngày 21/8/1940 khi cô 19 tuổi.
Sau đó, Violette lúc này mang họ của chồng là Szabo và tiếp tục làm việc, trở thành nhân viên trực tổng đài ở Bưu điện London. Tuy nhiên, cô thấy chán công việc và đã nhập ngũ, phục vụ trong Lực lượng Hỗ trợ Mặt đất toàn thành viên nữ. Cô trải qua quá trình tập huấn rồi phát hiện ra mình mang bầu và buộc phải rời bỏ công việc.
Szabo sinh con gái tên là Tania ngày 8/6/1942. Sau khi sinh con, Szabo giao con cho những bàn tay tin cậy và tiếp tục trở lại công việc tại một nhà máy máy bay. Tuy nhiên, tới tháng 10, chồng cô đã tử trận gần El Alamein ở Bắc Phi và không bao giờ gặp con.
Không lâu sau đó, Szabo được mời tới cuộc họp của Bộ Hưu trí. Cô cho rằng cuộc gặp có liên quan tới cái chết của chồng, nhưng trong thực tế, người cô gặp tại đó là Selwyn Jepson, người tuyển dụng hàng đầu của Đội tác chiến Đặc biệt Anh (SOE) chuyên về nhiệm vụ tình báo, phá hoại kẻ thù và nổi dậy trong vùng địch chiếm đóng.
Hoạt động trong SOE
Nhờ nói thành thạo tiếng Pháp, từng sống ở Pháp, sức khỏe tốt và từng phục vụ trong Lực lượng Hỗ trợ Mặt đất nên Szabo đã lọt vào mắt của lãnh đạo SOE. Ông Jepson hỏi cô có muốn đảm nhiệm công việc bí mật mà có nguy cơ cao bị bắt giữ, tra tấn và chết hay không. Cô đồng ý ngay lập tức, một phần vì khao khát trả thù cho cái chết của chồng. Khi thấy Szabo đồng ý ngay, ông Jepson lại cảm thấy bất an. Tuy nhiên, một lát sau, SOE quyết định nhận cô vào đội F chuyên đảm nhận nhiệm vụ tại nước Pháp bị chiếm đóng.
Như mọi nữ điệp viên khác của SOE, Szabo làm việc trong Tổ chức Y tá Cấp cứu trước. Tổ chức này toàn nữ, liên kết với Lục quân và SOE để tạo vỏ bọc cho các điệp viên và đào tạo họ.
Szabo trải qua quá trình tập huấn dày đặc về kỹ năng sinh tồn, khả năng định hướng, cách sử dụng vũ khí và chất nổ, kỹ năng trốn thoát, xâm nhập, nhận diện đồng phục, liên lạc và mật mã.
Trong cuộc tập huấn về nhảy dù, có lần cô đáp xuống thất bại và phải thực hiện lại. Khi thực hiện lại thành công, cô đã đủ điều kiện để trực tiếp hành động. Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra với mình, Szabo đã viết sẵn di chúc trước khi ra đi thực hiện sứ mệnh đầu tiên.
Tháng 4/1944, Szabo nhảy dù vào Pháp cùng một người tên là Phillippe Liewer. Tại đây, cô sử dụng tên Corinne Reine Leroy, tên một thư ký sống ở Le Havre. Còn Liewer dùng tên Charles Staunton.
Nhờ vỏ bọc này, Szabo có nhiều lý do để đi vào những vùng hạn chế của quân Đức. Ở đó, cô và Liewer có nhiệm vụ gặp các đặc vụ còn lại và thu thập thông tin.
Szabo đã thu được thông tin về các nhà máy địa phương trong khu vực đang sản xuất phục vụ chiến tranh cho quân Đức, nhờ đó quân Đồng minh có thể dễ dàng chọn mục tiêu ném bom. Có lần cô bị cảnh sát mật Đức giải đi nhưng sau đó được thả. Cô đã sống hai tuần ở Pháp và nhiệm vụ của cô thành công.
Sau khi kết thúc sứ mệnh đầu tiên, Szabo trở về Anh. Không may, thông tin tình báo bị lộ. Trong chuyến bay về, máy bay của cô bị trúng hỏa lực phòng không nhưng cô đã hạ cánh an toàn.
Sứ mệnh thứ hai của Szabo là cùng ba đồng nghiệp nhảy dù xuống Limoges ở Tây nước Pháp, ngay sau ngày D-Day. Liewer cũng tham gia sứ mệnh này. Szabo dùng cái tên Villeret, một góa phụ của người buôn đồ cổ ở Nantes.
Trong lần nhảy dù này, Szabo bị thương ở mắt cá chân như trong lúc tập huấn. Khi ở Limoges, cô có nhiệm vụ điều phối các hoạt động kháng chiến của Pháp và phá hoại liên lạc của Đức. Tuy nhiên, Liewer đã cử Szabo tới một khu vực khác ở Pháp mà không biết rằng Szabo sẽ rơi vào tay của quân Đức.
Bị quân Đức bắt giữ
Vũ khí sẵn sàng, Szabo lên xe và được một thanh niên du kích người Pháp chở đi. Do quân Đức cấm sử dụng ô tô ở Pháp khi chúng chiếm đóng nước này sau ngày D-Day, nên chúng đã sinh nghi khi thấy ô tô và dừng xe của Szabo.
Ngay khi nhìn thấy quân Đức, Szabo và thanh niên lái xe đã bỏ chạy. Trong khi tìm cách trốn thoát, Szabo ngã và lại bị thương ở mắt cá chân. Cô bắt thanh niên Pháp chạy trốn, còn mình ở lại nấp trong bụi cây và nã súng vào quân Đức đang tiến tới. Cô đã tiêu diệt một hạ sĩ nhưng hết đạn sau 20 phút và bị bắt.
Szabo bị đưa đi thẩm vấn và phải chịu đựng bốn ngày tra khảo. Cô nói tên mình là Vicky Taylor và đang tìm cách về Anh thông qua Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cảnh sát mật Đức biết cô là đặc vụ SOE và tra tấn cô. Szabo không khai gì dù bị tra khảo dã man. Khi bị đưa lên tàu chuyển sang Đức, Szabo bị còng tay với người bên cạnh. Cô đã bò xung quanh để đưa nước cho những người khác cho dù con tàu đang bị dội bom dữ dội.
Nhiều tù nhân có giá trị nhất mà quân Đức bắt giữ đều bị đưa tới các trại tập trung khi quân Đồng minh đang tiến tới. Szabo bị đưa tới đây cùng một số đặc vụ SOE. Nhờ có họ, cô đã giữ vững tinh thần. Về sau, họ bị tách ra. Szabo và các đặc vụ nữ bị đưa tới trại Ravensbruck. Họ tới đây vào tháng 8/1944.
Trong khi bị giam cầm, Szabo liên tục tìm cách trốn thoát. Cô bị bắt làm việc như đào khoai tây và làm trong cửa hàng vải. Sau đó, cô bị bắt làm việc nặng hơn là chặt cây, dọn tuyết, đào hào.
Trong mùa đông, nhiều phụ nữ làm việc cùng Szabo đã chết cóng vì họ vẫn mặc bộ quần áo mà họ mặc lúc bị đưa vào đây từ mùa hè. Trải qua tất cả những điều kinh hoàng này, Szabo vẫn giữ tinh thần càng vững càng tốt. Tuy nhiên, khi ngày càng chịu nhiều hình thức bạo hành, tinh thần cô đã suy yếu.
Tháng 2/1945, Szabo vẫn ngẩng cao đầu khi bị hành quyết tại trại Ravensbruck. Cô bị bắn vào sau đầu. Chúng thiêu xác cô. Sau khi chết, cô là phụ nữ thứ hai trong lịch sử nhận Huy chương George.